Kinh doanh trái phép trên mạng: Không xử hình sự?

Ngày 26-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ ba để thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Theo tờ trình mới nhất của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 lần này liên quan đến 141 điều luật, gồm 18 điều thuộc phần Những quy định chung và 123 điều thuộc phần Các tội phạm. Trong số này có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung, một điều bị bãi bỏ.

Bỏ Điều 292 là hợp lý?

Đặc biệt, Chính phủ đã đề xuất bỏ Điều 292 BLHS 2015 (tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông). Lý do đưa ra là BLHS 2015 đã bỏ tội kinh doanh trái phép trong BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Như vậy, cùng hành vi kinh doanh các lĩnh vực nêu tại Điều 292 BLHS 2015, nếu tiến hành trên mạng máy tính, viễn thông thì bị xử lý hình sự, còn không thực hiện trên mạng thì không bị là bất hợp lý. Cạnh đó, mạng máy tính, mạng viễn thông chỉ là công cụ để tiến hành kinh doanh với phạm vi đối tượng sử dụng rất rộng, bao gồm cả ở trong nước và nước ngoài nên quy định như Điều 292 không bảo đảm tính khả thi.

Hầu hết ý kiến trong nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất bỏ Điều 292 ra khỏi BLHS 2015. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bỏ toàn bộ điều này và đề nghị xem xét phạm vi điều chỉnh của điều luật này theo hướng chỉ giới hạn đối với hành vi kinh doanh vàng miếng trên tài khoản, kinh doanh đa cấp qua mạng máy tính, mạng viễn thông. Bởi lẽ các hành vi này có phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao, cần phải hình sự hóa để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Còn có nhiều ý kiến trong việc bỏ tội kinh doanh trái phép trên mạng. Ảnh: HTD

Cần thêm thời gian sửa luật

Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ hai QH khóa XIV (khai mạc giữa tháng 10 tới). Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ QH trình QH xem xét cho phép thông qua dự án luật tại hai kỳ họp, đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan tiếp tục rà soát, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật. Sự cẩn trọng này nhằm tránh việc sau khi sửa đổi, bổ sung vẫn còn phát hiện sai sót.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật giải thích thêm: Hồ sơ dự án được gửi tới Ủy ban Tư pháp quá gấp (Ủy ban Tư pháp nhận hồ sơ ngày 23-9) nên thời gian để bảo đảm nghiên cứu sâu, có chất lượng còn rất hạn chế. Mặt khác, trong thời gian chuẩn bị dự luật, nhiều bộ, ngành có văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều điều của BLHS 2015 để phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước… Cạnh đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng thấy còn một số điều luật cần phải xem xét sửa đổi. “Đây là vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn… nên phải có thời gian cần thiết mới làm tốt được” - ông Luật nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng nhận xét thời gian quá gấp gáp. “Các đồng chí nói đây là món nợ với dân nhưng không ai ép buộc phải thông qua ngay tại kỳ họp tới” - ông Lâm nói.

Nhiều đề xuất tiền hậu bất nhất

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết trong vòng chưa đến 10 ngày, Ủy ban Tư pháp nhận được hai công văn do cùng một thứ trưởng Bộ NN&PTNT ký, hai công văn tiếp theo không có người ký do chuyên viên gửi sang, sau cùng là công văn do bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký. Tuy nhiên, gần đây Ủy ban Tư pháp lại nhận được một công văn của bộ này đề xuất những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm thì một số thuật ngữ dùng không chính xác, một số ngưỡng vượt quá mức pháp luật cho phép… “Tôi hơi hoang mang vì lĩnh vực chuyên sâu thuộc về các ngành, đã tham mưu cho bộ trưởng như vậy nhưng sau lại nói khác” - ông Hồng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, chiều thứ Sáu tuần trước, Bộ Tư pháp vẫn tiếp tục nhận được công văn rà soát các quy định của BLHS 2015 nhưng không còn thời gian để tập hợp nữa. Trong số những công văn chính thức Bộ nhận được có sự thay đổi quan điểm, nội dung. “Câu chuyện làm luật này không chỉ của BLHS 2015 mà còn của các đạo luật khác” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói và cho rằng quan điểm tiền hậu bất nhất như vậy gây nhiều khó khăn cho cơ quan chủ trì xây dựng các dự án luật.

Gấp gáp dẫn tới sai sót

Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, BLHS 1999 được QH cho ý kiến và thông qua nhiều lần trong thời gian bảy năm chuẩn bị (Phần Chung thông qua năm 1997, Phần Các tội phạm thông qua năm 1999). Trong khi đó, tổng thời gian từ khi QH cho ý kiến cho đến khi thông qua BLHS 2015 chỉ khoảng sáu tháng. Đây chính là một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai sót BLHS 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới