Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp làm gì để tăng trưởng?

(PLO)- Để tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp cần nhiều giải pháp từ nội lực nhưng cũng cần có sự chung tay, hỗ trợ của Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân tiết kiệm chi tiêu đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) suy giảm hiệu quả kinh doanh. Theo các chuyên gia, để gia tăng động lực tăng trưởng của nền kinh tế, DN cần nhiều giải pháp nhưng cũng cần có sự chung tay, hỗ trợ của cơ quan chức năng.

Bia,vàng đều giảm sức mua

Kết thúc quý II-2023, Công ty Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) - một đơn vị có lịch sử kinh doanh lâu đời (từ thế kỷ 19) đã báo lỗ 2 tỉ đồng. Con số không quá lớn nhưng Halico đã kéo dài khoản lỗ lên đến 25 quý liên tiếp, bắt đầu từ quý II-2017.

Các doanh nghiệp đang cố gắng tìm phương hướng kinh doanh để tăng trưởng kinh tế. Ảnh: P.MINH

Các doanh nghiệp đang cố gắng tìm phương hướng kinh doanh để tăng trưởng kinh tế.
Ảnh: P.MINH

Ban lãnh đạo Halico lý giải việc kinh doanh khó khăn do nhu cầu tiêu dùng suy yếu, người dân tiết kiệm chi tiêu, sức ép cạnh tranh cũng như tác động của Nghị định 100/2019.

Sức ép lên DN hiện cũng đang cực kỳ lớn thông qua chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của VN dù có tăng nhẹ nhưng vẫn dưới 50 điểm trong tháng 7.

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế S&P Global Market Intelligence, cho biết theo dữ liệu chỉ số PMI mới nhất, ngành sản xuất VN vẫn chịu áp lực trong tháng 7 khi các công ty tiếp tục khó kiếm được đơn đặt hàng mới và đã phải giảm sản lượng tương ứng.

Heineken - nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới cũng vừa báo cáo hiệu quả kinh doanh tại Việt Nam (VN) đang có dấu hiệu giảm sút. Lý do, kinh tế khó khăn cộng với giá cả nguyên vật liệu tăng khiến doanh số bán hàng và lợi nhuận nửa đầu năm 2023 giảm nhiều hơn so với kỳ vọng.

Quan trọng hơn, thị trường bia VN suy giảm đã kéo theo doanh thu toàn cầu của Heineken giảm theo. Vì thế, cổ phiếu của hãng này cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023.

Một đại gia bia khác là Sabeco mới đây phải giải trình lợi nhuận giảm cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong quý II-2023, lợi nhuận sau thuế của Sabeco giảm đến 32% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực kinh doanh vàng cũng gặp không ít khó khăn. Trong báo cáo mới phát hành, Hội đồng vàng Thế giới (WGC) cho biết tại VN, nhu cầu của người tiêu dùng vàng trong quý II-2023 giảm 9% (từ 14 tấn giảm còn 12,7 tấn).

Ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương WGC, cho rằng sự suy giảm kinh tế VN trong hai quý liên tiếp đã tác động đến tâm lý thị trường và nhu cầu tiêu thụ trang sức. Nhu cầu mua vàng thỏi cũng bị hạn chế do tính thanh khoản thấp, chịu tác động từ sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản.

Tìm động lực tăng trưởng

Các DN cũng như chuyên gia kinh tế đều nhận định vẫn có lối thoát để duy trì động lực tăng trưởng cho DN và nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động (TGDĐ), cho biết biện pháp ông thực hiện là tối ưu hóa giá bán để khách hàng không bị nhạy cảm về giá. Đồng thời đưa ra hàng loạt chiến lược bán hàng ưu đãi. Nhờ vậy, doanh số bán hàng đã tăng trở lại.

Dù có xu hướng tiết kiệm nhưng nếu sản phẩm gây hiệu ứng tốt thì người tiêu dùng vẫn sẵn sàng xuống tiền. Điển hình, mới đây nhiều DN bán lẻ điện máy đang thắng lớn nhờ vào việc Samsung tung ra siêu phẩm mới, gây ấn tượng với người tiêu dùng.

Ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng Giám đốc Sabeco, cho biết: “Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và chúng tôi phải chi tiêu nhiều hơn để chiến đấu. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng bỏ tiền cho tiếp thị là chi phí nhưng chúng tôi xem đó là khoản đầu tư và sẽ đem lại lợi nhuận trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Nếu có sản phẩm tốt thì tự khắc khách hàng sẽ tìm đến. Chúng tôi sẽ làm tốt hơn những gì đã làm. Cân bằng giữa chi phí và lợi nhuận là cách để công ty chúng tôi vượt qua khó khăn”.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhận định DN vẫn còn vật lộn với tăng trưởng do bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn. DN còn đối diện với môi trường kinh doanh và pháp lý có tính thực thi và tháo gỡ điểm nghẽn chậm. Ngoài ra, dù lãi suất huy động hạ nhiệt nhưng DN vẫn chịu lãi vay cao, đầu ra và đơn hàng vẫn bị thu hẹp; sức chống chịu của DN còn thấp khi gặp các cú sốc từ bên ngoài…

“Để thúc đẩy sự tăng trưởng của DN, cần giải pháp tổng thể đến từ DN và cơ quan quản lý nhà nước. DN phải giảm chi phí, cần đổi mới sáng tạo hơn trong kinh doanh, tận dụng các hiệp định thương mại tự do tìm thị trường mới để có đầu ra. Đồng thời tăng cường kiểm soát rủi ro, chú trọng chuyển đổi số và đẩy mạnh xanh hóa, phát triển bền vững vì đây là xu thế tất yếu hiện nay” - TS Lực nêu quan điểm.

Ở góc độ Nhà nước, ông Lực cho rằng cơ quan điều hành phải bám sát diễn biến kinh tế quốc tế để có phân tích, dự báo và kịch bản chủ động ứng phó, phản ứng kịp thời. Một khi ra các quyết sách hỗ trợ DN thì cần rút ngắn độ trễ để chính sách tác động nhanh và hiệu quả.

“Cần đẩy nhanh hơn tiến độ thực thi hoàn thuế VAT để DN có nguồn lực hoạt động một cách hiệu quả. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn về môi trường đầu tư và kinh doanh, thủ tục hành chính cho DN” - ông Lực nói.

Kỳ vọng tăng trưởng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay. Ảnh: P.MINH

Kỳ vọng tăng trưởng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay. Ảnh: P.MINH

Kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục

Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital: Kinh tế VN tăng trưởng chậm lại trong năm 2023 chủ yếu do sự sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm sản xuất trong nước. Điều này tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất. Sản xuất chậm lại ảnh hưởng phần lớn đến tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm nay.

Thêm vào đó, ước tính rằng tiêu dùng hộ gia đình tại VN hiện chỉ đang tăng với tốc độ khoảng 2%-3%. Nếu loại bỏ yếu tố về lạm phát, tiêu dùng hộ gia đình tại VN thường tăng với tốc độ 8%-9%. Thế nhưng lo ngại của người tiêu dùng về thị trường bất động sản đóng băng và các vấn đề khác đã làm giảm tốc độ tăng trưởng tiêu dùng ở hiện tại.

“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nhờ vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng từ phía Chính phủ, bao gồm việc cắt giảm lãi suất và vì kinh tế VN đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất do hoạt động sản xuất và xuất khẩu đã vượt qua giai đoạn sụt giảm” - ông Michael Kokalari cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm