Theo hãng Reuters, nền kinh tế Nga sau một năm cuộc xung đột ở Ukraine đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng bất ngờ khi phải đối mặt hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên con đường để Moscow trở lại mức thịnh vượng trước cuộc xung đột có lẽ còn xa vời khi mà phần lớn chi tiêu của chính phủ đều đổ vào nền quốc phòng.
Tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2022 suy giảm ít hơn nhiều so với các dự đoán trước đó. Ảnh: Maxim Shemetov/REUTERS |
Có tín hiệu lạc quan
Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, nhiều dự báo nội bộ nhận định rằng nền kinh tế Nga sẽ suy giảm khoảng 10% trong năm 2022, vượt xa mức suy thoái sau khi Liên Xô sụp đổ và cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Tuy nhiên theo dữ liệu Cơ quan Thống kê quốc gia Nga (Rosstat), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ giảm 2,1% vào năm ngoái.
“Nền kinh tế và hệ thống quản trị của Nga đã chứng tỏ mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì phương Tây nghĩ. Tính toán của họ đã không thành hiện thực” - ông Putin khẳng định trong bài phát biểu trước quốc hội Nga hôm 21-2.
Một phần làm bức tranh kinh tế Nga sáng hơn là nhờ vào giá xuất khẩu năng lượng của Nga vẫn khá cao, giúp Nga giảm thiểu các tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm cô lập nước này về mặt kinh tế. Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát vốn khiến đồng rúp mạnh lên mức cao nhất trong 7 năm qua. Ngoài ra, nhập khẩu giảm cũng đã dẫn tới thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục.
Ngân hàng trung ương Nga dưới sự lãnh đạo của Thống đốc Elvira Nabiullina vẫn "giữ vững tay chèo” trước "cơn bão” trừng phạt từ phương Tây, mặc dù mất quyền truy cập vào nguồn dự trữ quốc tế khổng lồ trị giá khoảng 300 tỉ USD.
Nhưng khó quay lại mức trước xung đột
Dù vậy các nhà phân tích cho rằng Nga đã mất đi chi phí cơ hội đáng kể và lâu dài do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trước khi chiến sự bùng nổ, Nga dự đoán tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022 là 3%.
Nhà phân tích Grigory Zhirnov thuộc kênh My Investments Telegram nhận định tăng trưởng kinh tế khá bất ngờ của Nga trong năm 2022 là một tín hiệu tích cực, song ông cho rằng sẽ tốt hơn nếu so sánh động lực tương đối hiện nay với những gì có thể đạt được nếu xu hướng phát triển kinh tế thời trước xung đột vẫn tiếp tục.
Ông cũng dự báo rằng nền kinh tế Nga có thể quay trở lại quy mô của năm 2021 vào 2025 và GDP khó có thể đạt được mức trước xung đột trong vòng 10 năm tới.
Dầu mỏ Nga là ngành kinh tế chịu áp lực trừng phạt của phương Tây nhiều nhất. Ảnh: Sergei Karpukhin/REUTERS |
Đi tìm giải pháp
Dưới áp lực trừng phạt của phương Tây lên dầu mỏ Nga, ngành kinh tế chủ đạo của nước này, Nga đang cố gắng tìm kiếm các thị trường mới ở châu Á, đồng thời duy trì nguồn cung hàng tiêu dùng thông qua kế hoạch nhập khẩu xám. Tuy nhiên, xu hướng ngày càng tách rời khỏi thị trường phương Tây từng một thời là động lực cho tăng trưởng của Nga sẽ khiến nền kinh tế nước này hướng nội nhiều hơn.
Tổng thống Putin khẳng định nỗ lực “phi đồng USD hóa” đã giúp đồng rúp tăng gấp đôi thị phần trong các thanh toán quốc tế. Các ngân hàng Nga cũng đang tìm kiếm các công cụ nội địa để phục hồi lợi nhuận.
Ông Putin cũng kêu gọi giới tinh hoa kinh doanh đầu tư nhiều hơn vào Nga vì người dân Nga không đồng cảm trước việc các du thuyền và biệt thự của họ bị phong tỏa ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga bắt đầu tranh luận về sự phát triển bền vững trong nước và một nền kinh tế tự cung tự cấp.
Con đường phía trước còn chông chênh?
Tuy nhiên, việc Nga đang tăng cường chi tiêu cho quân sự có thể sẽ cản trở sự phát triển của cơ sở hạ tầng kinh tế dân sự ở nước này, theo Reuters. Chi tiêu gia tăng và doanh thu sụt giảm đã dẫn đến thâm hụt ngân sách 25 tỉ USD trong tháng 1-2023, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai giảm hơn một nửa so với một năm trước đó.
Giá dầu cao thường sẽ bổ sung tài chính cho Quỹ Tài sản Quốc gia Nga (NWF) nhưng với việc xuất khẩu hydrocarbon đang chịu lệnh cấm vận và giá trần của phương Tây, Nga đang phải bán đồng nhân dân tệ của Trung Quốc từ NWF để bù vào khoảng thâm hụt.
Mặc dù Bộ Tài chính Nga cam kết không để thâm hụt ngân sách vượt khỏi tầm kiểm soát, song việc sử dụng nguồn tài chính dự trữ từ NWF có nguy cơ làm giảm khả năng chi tiêu trong tương lai của Nga và gây ra rủi ro lạm phát.
Thu nhập giảm đã khiến người Nga tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít đi. Ảnh: Konstantin Zavrazhin/GETTY IMAGES |
Ngân hàng trung ương Nga có phần bi quan hơn về sức khỏe của nền kinh tế nước này, đã cảnh báo thâm hụt ngân sách ngày càng tăng có thể dẫn tới lạm phát, đồng thời cho biết nhiều khả năng sẽ ngân hàng sẽ nâng lãi suất, hiện đang ở mức 7,5%, trong năm nay hơn là cắt giảm.
Quan chức kinh tế kỳ cựu Oleg Vyugin cũng nhận định mục tiêu doanh thu dầu khí năm nay khó có thể đạt được, đặc biệt là khi chênh lệch giữa giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế và giá dầu Urals của Nga ngày càng nới rộng.
Để đáp ứng các kế hoạch ngân sách, Nga có thể sẽ phải tăng gấp đôi chi tiêu theo kế hoạch của NWF. Điều này có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao và buộc Ngân hàng trung ương tăng chi phí đi vay.
“Việc áp dụng một ngân sách như vậy là con đường dẫn tới sự xói mòn dần dần sự ổn định tài chính và làm giảm tiền lương thực tế của người dân” - ông Vyugin nói trong một báo cáo công bố trong tháng này.
Trên thực tế, thu nhập khả dụng của người Nga đã giảm 1% vào năm ngoái, khiến họ phải tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít đi. Điều này đã làm doanh số bán lẻ của nước này giảm đi 6,7%.
Chuyên gia Alexandra Prokopenko, cựu cố vấn Ngân hàng trung ương Nga, nói rằng xu hướng tiết kiệm mạnh mẽ của người Nga là dấu hiệu không chắc chắn của nền kinh tế.
Dù vậy, chuyên gia này nhận định giới lãnh đạo tài chính Nga đã quen với việc ứng phó các cuộc khủng hoảng. Những quan chức này đã nắm quyền kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đã dẫn dắt đất nước vượt qua mối quan hệ ngày càng xấu đi với phương Tây.