Kinh tế Nga và Ukraine ra sao sau chín tháng xung đột?

(PLO)- Sau hơn chín tháng xung đột, kinh tế cả Nga lẫn Ukraine đều bị ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế Nga sau thời gian đầu có vẻ trụ vững thì giờ đã cho thấy một loạt chỉ số tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo dữ liệu Cơ quan Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) công bố hồi giữa tháng 11, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 4% trong quý III, sau đợt sụt giảm 4,1% trong quý II. Nga từng rơi vào tình trạng này vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do tác động của dịch COVID-19.

Thương mại bán sỉ và bán lẻ, cũng như các ngành công nghiệp bao gồm cả sản xuất của Nga cũng sụt giảm nghiêm trọng trong quý III. Cụ thể, bán sỉ giảm 22,6%, bán lẻ giảm 9,1%. Từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay, sản lượng sản xuất ô tô của Nga giảm 90% do bị các lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn tiếp cận thị trường vi mạch và chất bán dẫn. Ngành sản xuất máy bay và vũ khí cũng gặp khó khăn.

Ngân hàng Trung ương Nga dự báo GDP nước này sẽ giảm 3,5% trong năm nay. Bộ Phát triển kinh tế Nga dự báo kinh tế nước này vẫn sẽ sụt giảm trong hai năm 2022, 2023 và sẽ chỉ bắt đầu tăng trưởng từ năm 2024 với mức tăng 2,6%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo GDP của Nga sẽ giảm 5,6% vào năm 2023, theo hãng tin Reuters.

Kinh tế Ukraine cũng không khá hơn. GDP của Ukraine giảm 4% trong năm 2020 vì dịch, tăng trưởng 3,2% trong năm 2021 và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Chiến tranh đã thay đổi tất cả. GDP của Ukraine giảm 15,1% trong quý I, giảm 37,2% trong quý II. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế của Ukraine sẽ sụt giảm 1/3 trong năm nay, theo tờ Asia Times.

Có thể thấy việc các cảng Biển Đen bị phong tỏa đã ngăn chặn các tuyến xuất khẩu sống còn của Ukraine, làm tê liệt nguồn thu ngoại tệ mà Ukraine rất cần để mua hàng hóa cần thiết. Việc này cộng với thực tế rằng chính phủ Ukraine phải dành tiền cho mục đích quân sự đã gây áp lực vô cùng lớn lên nền kinh tế của Ukraine.

Nếu xung đột Nga - Ukraine không sớm được giải quyết thì kinh tế của hai bên sẽ còn nan giải hơn. Nguy cơ phương Tây áp thêm trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu sẽ là thách thức lớn đối với khả năng phục hồi của Nga, theo hãng tin Bloomberg. Với Ukraine, trước chiến tranh chỉ 2,5% người dân nước này sống trong nghèo đói (sống dưới mức 5,5 USD/ngày), ngang mức của Ý và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, WB tính toán số người sống trong nghèo đói tăng tới 10 lần trong năm 2022 và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm