Việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vô hình trung tác động tích cực đến sự đoàn kết của châu Âu vào thời điểm ban đầu. Tuy nhiên, hơn chín tháng kể từ khi chiến sự Ukraine, các vết nứt bắt đầu xuất hiện trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU), theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu an ninh thuộc ĐH Georgetowns (Mỹ).
Kinh tế tổn thương nặng
Người dân EU đang chịu đựng tình trạng lạm phát cao kỷ lục và cuộc khủng hoảng năng lượng dự kiến bùng mạnh khi mùa đông đến gần. Lạm phát tháng 10 cao kỷ lục tại 19 nước khu vực đồng euro như Đức ở mức 11,6% (so với tháng 10-2021), Ý 12,8%, Pháp 7,1%..., với các yếu tố chính là giá năng lượng tăng (41,9%), giá thực phẩm tăng (13,1%).
Người dân đi mua sắm tại một khu chợ ở Berlin. Kinh tế Đức tăng trưởng nhẹ trong quý III-2022, một phần nhờ sức mua tăng. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Ngân hàng Trung ương châu Âu buộc phải tăng lãi suất, gây áp lực lên doanh nghiệp và thành viên EU có nợ cao, chẳng hạn như Ý. Tăng trưởng GDP của EU đạt 0,2% trong quý III song các nhà kinh tế vẫn không loại trừ nguy cơ suy thoái. Ngoài ra, theo cảnh báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì kinh tế các nước Trung và Đông Âu có thể sẽ còn trì trệ hơn và lạm phát toàn châu lục sẽ tăng hơn nữa nếu Nga cắt hoàn toàn khí đốt đến châu Âu.
Từ khi chiến sự Ukraine nổ ra đến nay EU đã thông qua tám vòng trừng phạt Nga. Với diễn biến kinh tế hiện tại, nhiều nước bắt đầu hoài nghi về khả năng trừng phạt tiếp trong tương lai, chưa kể sự bất bình trong nước đe dọa độ bền của các lệnh trừng phạt hiện tại.
Biểu tình, đình công liên quan việc chi phí sinh hoạt tăng cao nổ ra khắp EU. Người biểu tình yêu cầu chính phủ cân nhắc lại chuyện trừng phạt Nga. Nhiều chính phủ EU cũng lên tiếng lo ngại, cảnh báo về những nguy hiểm mà tình hình kinh tế hiện tại sẽ gây ra với tương lai của EU.
Có thể nói bên cạnh sự bất mãn ngày càng tăng từ phía người dân thì các chính phủ cũng đang chịu nhiều áp lực. Điều này có nguy cơ khiến các nước lựa chọn hành động đơn phương để đối phó với khủng hoảng kinh tế, phá vỡ sự thống nhất của EU.
Chính trị cũng chịu hậu quả
Nổi lên trong số các nước hoài nghi chuyện trừng phạt Nga là Hungary. Thủ tướng Hungary Viktor Orban thường xuyên chỉ trích rằng các biện pháp trừng phạt Nga tàn phá nền kinh tế Hungary và đáng ngại hơn có thể làm tan rã EU. Ông Orban chủ trương thúc đẩy miễn trừ lệnh cấm vận của EU đối với dầu của Nga, phản đối áp giá trần lên khí đốt Nga. Một dấu hiệu rạn nứt nữa, ông Orban tuyên bố Hungary sẽ chặn gói hỗ trợ kinh tế mới nhất của EU với Ukraine vốn cần sự chấp thuận của tất cả thành viên EU. Nếu vấn đề không được giải quyết, đây có thể là bước đầu tiên dẫn đến sự tan vỡ đoàn kết của EU.
Hy Lạp, Cyprus và Malta lo ngại việc hạn chế nhập dầu Nga có thể ảnh hưởng nặng đến kinh tế nước mình. Tại Ý, đã có bất đồng giữa liên minh chính phủ mới về cách tiếp cận trừng phạt Nga. Thủ tướng Giorgia Meloni ủng hộ trừng phạt nhưng có thể phải lựa chọn hoặc thay đổi hoặc nhìn chính phủ sụp đổ. Không có lựa chọn nào có lợi cho EU, sự sụp đổ của chính phủ Ý sẽ tạo thêm bất ổn cho một trong những thành viên lớn nhất EU vào thời điểm khối rất cần sự thống nhất và ổn định.
Tại Cộng hòa Czech, làn sóng biểu tình đòi chính phủ thân phương Tây từ chức ngày càng mạnh. Người dân Đức biểu tình, yêu cầu chính phủ bỏ trừng phạt Nga. Các đảng cầm quyền ở Cộng hòa Czech và Đức đã bắt đầu chịu hậu quả chính trị khi các cuộc bầu cử gần đây cho thấy tỉ lệ ủng hộ giảm sút. Theo Trung tâm Nghiên cứu an ninh thuộc ĐH Georgetowns, có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi sự bất mãn của người dân đủ lớn để buộc chính phủ cầm quyền các nước EU phải lựa chọn giữa trừng phạt Nga hoặc hậu quả bầu cử tiêu cực.
Lạm phát ở khu vực đồng euro vẫn chưa đạt đỉnh và có khả năng tăng cao hơn hiện nay.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu CHRISTINE LAGARDE
cảnh báo vào ngày 29-11
Đức bị phản ứng hành xử không công bằng
Cách tiếp cận đơn phương và khác biệt của Đức đối với hậu quả trừng phạt đặt ra câu hỏi về khả năng của khối trong việc duy trì phản ứng tập thể đối với khủng hoảng kinh tế. Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ và Hungary lên án gói viện trợ 200 tỉ euro gần đây của Đức nhằm giúp người dân và doanh nghiệp trong nước đối phó với lạm phát và giá năng lượng cao. Các nước trên lo động thái của Đức tác động tiêu cực đến thị trường và mang lại cho Đức lợi thế không công bằng. Nhiều chính trị gia Ý cáo buộc Đức sử dụng sức mạnh tài chính để bảo vệ nền kinh tế trong khi các thành viên EU khác chịu thiệt hại, đồng thời cảnh báo động thái này có thể “bóp méo thị trường nội bộ” của EU.
Trong khi đó, Pháp thúc đẩy chương trình “vay vốn chung của EU” và giới hạn giá khí đốt để đối phó với chi phí năng lượng tăng cao, các chính sách mà Đức không mặn mà. Điều này làm tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất EU. Rạn nứt Pháp - Đức đặc biệt quan trọng vì chính sách của EU hiếm khi được thực hiện mà không có sự ủng hộ của hai nước.
Mục tiêu của EU là hội nhập kinh tế nhiều hơn và mong muốn các thành viên phối hợp hoạch định chính sách kinh tế để hỗ trợ thị trường duy nhất. Động thái chính sách tài khóa đơn phương của Đức và việc nước này miễn cưỡng với việc Pháp thúc đẩy chính sách kinh tế phối hợp của EU, kết hợp với phản ứng từ các thành viên EU khác, làm dấy lên lo ngại về tình trạng hiện tại và tương lai của liên minh kinh tế EU.•
EU vẫn còn điểm chung
Có thể thấy sự đoàn kết của EU đang bị đe dọa vì áp lực của suy thoái kinh tế, chi phí năng lượng tăng và sự bất mãn trong nước. Tuy nhiên, những viễn cảnh cực đoan hơn, chẳng hạn như cảnh báo của Thủ tướng Hungary Orban về sự sụp đổ của EU, dường như còn xa.
EU vẫn thống nhất trong việc phản đối chiến dịch của Nga ở Ukraine. EU có hai thành viên từ chối viện trợ quân sự cho Ukraine là Hungary và Bulgaria. Tuy nhiên, gần đây Quốc hội Bulgaria đã bỏ phiếu ủng hộ hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài ra, việc Mỹ thông qua Đạo luật giảm lạm phát kéo các nước EU lại với nhau để chỉ trích tập thể Mỹ rằng đạo luật này vi phạm luật thương mại quốc tế và đe dọa ngành công nghiệp châu Âu.