Kinh tế Việt Nam: Hội nhập nhanh nhưng chậm thay đổi

Đây là con số được nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nêu ra tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 27-8. Chủ đề diễn đàn năm nay là "Kinh tế Việt Nam: Hội nhập và phát triển bền vững”.

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, Việt Nam thường nói "chủ động hội nhập" nhưng thực chất là chủ động đi đàm phán là chủ yếu. Từ năm 2011 đến nay Việt Nam đã đàm phán 6 Hiệp định quy mô lớn trong thời gian rất ngắn với mức độ tự do hóa cao, sẵn sàng đứng nhất ASEAN về chỉ số này.

Tuy nhiên, thực tế, theo số liệu điều tra 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hơn 70% doanh nghiệp cho rằng AEC không ảnh hưởng đến họ. Như cậy số doanh nghiệp “vô tư” với sự kiện này là rất lớn, hơn cả Lào, Campuchia. Thậm chí nhiều quan chức cũng lơ mơ về sự kiện này. Như vậy về mặt nhận thức, Việt Nam chưa đủ tầm cỡ để đối đầu với cạnh tranh đang diễn ra trên thị trường.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đặt ra hàng loạt câu hỏi như Việt Nam hội nhập có nhanh không? Ký hiệp định thương mại có nhiều quá không? Theo đó, việc ký kết các Hiệp định thương mại thời gian vừa qua của Việt Nam "coi chừng" Việt Nam sẽ rơi vào bẫy tự do hoá thương mại.

Ông Lịch dẫn chứng những cam kết được đề ra trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực vào tháng 12 năm nay, trong đó lộ trình và lên kế hoạch đã bắt đầu từ năm 1999 nhưng thông tin chưa rõ ràng, doanh nghiệp vẫn "sợ như sợ ma".

Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, việc Việt Nam ký kết lên đến 15 Hiệp định thương mại, tương đương cường quốc kinh tế như Trung Quốc, cao nhất trong khối nước ASEAN là có vấn đề.

Còn TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương lại cho rằng, nói doanh nghiệp bị động, không tích cực, không quan tâm đến hội nhập và yếu trong cạnh tranh có thể đúng nhưng chưa đủ. 

"Doanh nghiệp hội nhập như đi trên cầu khỉ, trên lưng là khối đá gánh nặng chi phí, dò dẫm từng bước một để không trượt chân rơi xuống sông nên không thể nhìn xa vươn tới thị trường bên ngoài. Với hình ảnh này doanh nghiệp Việt Nam không thể hội nhập được. Vấn đề nền tảng là Nhà nước, Nhà nước có hội nhập không?”- Ông Cung đặt vấn đề.

Ông Cung cho rằng, toàn bộ hệ thống đang không chú ý đến hội nhập, coi hội nhập là chuyện của các ông lãnh đạo đi đàm phán. Nhà nước vẫn đặt ra rào cản để quản lý và tôi cảm nhận bộ máy chúng ta "nghiện" quản lý. Do vậy, việc thảo luận hội nhập không nên phê phán doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là nhà nước cần thay đổi để hội nhập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới