Ngày 14-9, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức hội nghị trực tuyến gặp gỡ các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để cùng tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì, phát triển sản xuất trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Để mở cửa bền vững, cần sự chung tay của doanh nghiệp
Theo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tính từ 28-6 đến hết 13-9 tổng số ca nhiễm là 3.822 ca. Số bệnh nhân đã chữa khỏi là 3.078 người, chiếm 82,17%, số ca bệnh tử vong là 35. Tỉnh đã nhận 234.890 liều vaccine/1.563.924 liều được dự kiến phân bổ, đạt 15,6% so với kế hoạch; tổ chức tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 31,37%...
Dịch bệnh đang có xu hướng giảm rõ rệt trong 10 ngày trở lại đây. Tỷ lệ tiêm chủng trung bình cho lao động trong các khu công nghiệp đạt mũi 1 là 36%; mũi 2 là 3%.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá cao, trân trọng và cảm ơn các doanh nghiệp suốt thời gian quan đã ủng hộ, chung sức, đồng lòng trong việc chấp hành nghiêm túc giãn cách xã hội, phòng chống dịch tốt trong sản xuất kinh doanh; chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng an toàn với đại dịch.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phát biểu tại điểm cầu chính. Ảnh-MT
Đến nay, toàn tỉnh có 339 doanh nghiệp, với 34.413 lao động đang hoạt động với mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến”…Điều này đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2021.
Tỉnh nhận thức rõ dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng không tiếp tục chờ đợi mà phải tính đến các việc “mở cửa” trở lại nền kinh tế. Theo quan điểm thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chính là "Phòng, chống dịch- Phát triển kinh tế- An dân".
Để đạt được các mục tiêu trên, nhất là bảo đảm việc mở cửa, phục hồi kinh tế một cách bền vững thì sự tham gia của các hiệp hội, nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng.
Kiến nghị hàng đầu: Sớm tiêm đủ liều vaccine
Phát biểu trực tuyến tại các điểm cầu, lãnh sự quán các nước, hiệp hội, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đều đưa ra kiến nghị ưu tiên hàng đầu là tỉnh hỗ trợ tiêm vaccine sớm, đủ hai mũi cho người lao động, chuyên gia để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong nhà xưởng, duy trì hoạt động sản xuất. Bởi tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 hiện chỉ mới đạt 36%, mũi 2 đạt khoảng 3% là rất thấp.
Doanh nghiệp đang chịu gánh nặng chi phí lớn về kinh tế, nhận lực với phương án “3 tại chỗ”. Họ khẳng định đây không phải phương án phù hợp về lâu về dài.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản phát biểu trực tuyến tại hội nghị-Ảnh:MT
Từ đó, các doanh nghiệp này kiến nghị tỉnh chấp thuận cho người lao động được về nhà trên cơ sở thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm”; người lao động ở vùng xanh được đi làm bằng xe máy, có giấy xét nghiệm âm tính.
Đồng thời, cho phép người lao động đi từ nơi áp dụng Chỉ thị 15 đến các nhà máy ở nơi đang áp dụng Chỉ thị 16; hỗ trợ các chuyên gia từ nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; từ các tỉnh TP HCM, Đồng Nai về Bà Rịa- Vũng Tàu làm việc.
Lãnh đạo công ty thép Posco Vina (Hàn Quốc) chia sẻ các khó khăn và kiến nghị với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh:TK
Ngoài ra, kéo dài hơn thời gian thực hiện test nhanh nhằm giảm gánh nặng chi phí xét nghiệm và hạn chế nguy cơ lây nhiễm…Việc ban hành văn bản cần sớm để doanh nghiệp kịp bố trí, tổ chức sản xuất; tránh chỉ thị trùng lặp từ nhiều cơ quan chức năng khác nhau…
Tỉnh đã kiến nghị để được phân sớm vaccine theo kế hoạch
Ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ghi nhận, tiếp thu các ý kiến chia sẻ, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã phát biểu.
Ông chia sẻ, tỉnh cũng đã và đang hết sức nỗ lực, có nhiều văn bản kiến nghị tới các bộ, ngành và Trung ương để có thể sớm phân bổ lượng vaccine đáp ứng tiêm theo kế hoạch.
Dự kiến đến 31-12 tỉnh tổ chức tiêm phải đạt tỷ lệ 95% dân số từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, đối với người lao động tới ngày 31-10 sẽ tiêm vaccine mũi 1 cho ít nhất 70% và đến ngày 31-12 đạt 100%.
Sắp tới khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh sẽ có những điều chỉnh phù hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động đi làm trở lại giữa các địa phương…
Trong thời gian giãn cách xã hội việc thực hiện thủ tục hành chính trong thời gian qua thực tế có chậm trễ, tỉnh ghi nhận kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp và sẽ có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Đối với các kiến nghị cụ thể tỉnh sẽ giao cho Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trao đổi thêm, sớm xử lý, thông tin đến từng doanh nghiệp.