Bảo vệ thị phần dệt may trong nội địa

Thành lập cuối năm 2001 tại TP.HCM, sau chín năm, hệ thống siêu thị Vinatex Mart đã trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam về hàng dệt may. Điểm khác biệt lớn nhất so với các nhà bán lẻ khác là 100% sản phẩm dệt may tại 56 siêu thị Vinatex Mart đều là hàng Việt.

Siêu thị chỉ có thời trang nội địa

Vào thời điểm những năm 2002-2003, các doanh nghiệp dệt may trong nước còn đang chú trọng cho thị trường xuất khẩu, hàng Trung Quốc và hàng từ nước ngoài tràn vào thị trường Việt Nam, nhiều sản phẩm dệt may của những thương hiệu nước ngoài tràn vào, xâm lấn thị trường nội địa.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, người tiêu dùng cũng bắt đầu nghi ngờ với hàng hiệu ngoại vì mua phải hàng nhái quá nhiều. Trong khi đó hàng Trung Quốc thì kém chất lượng. Người tiêu dùng bắt đầu quay lại tìm kiếm sản phẩm dệt may trong nước. Đó là thời điểm Vinatex Mart đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi siêu thị hàng dệt may Việt Nam.

“Ý tưởng như vậy nhưng khi bắt tay thực hiện thì rất khó khăn. Làm thế nào để thuyết phục các nhà cung cấp đưa hàng vào hệ thống của mình trong khi các doanh nghiệp sản xuất cũng đã có hệ thống phân phối riêng? Việc chọn lựa những mặt hàng giá cả vừa phải, chất lượng tương đối đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước… cũng là những việc vô cùng khó khăn” - bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng Giám đốc Vinatex Mart, chia sẻ.

Bảo vệ thị phần dệt may trong nội địa ảnh 1

100% hàng dệt may tại Vinatex Mart sản xuất trong nước. Trong ảnh: Khách mua hàng tại siêu thị Vinatex Mart Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: THANH HẢI

“Đến hôm nay, các thương hiệu như Nino Maxx, An Phước, Nhà Bè, Việt Tiến, Phong Phú… đã chiếm lĩnh rất tốt thị trường trong nước và ngày càng mở rộng. Cán cân giữa xuất khẩu và thị trường nội địa của các doanh nghiệp đã khá cân đối” - ông Trần Thanh Nhàn, Phó Tổng Giám đốc Vinatex Mart, nhận định.

Ngay trong năm đầu tiên, ba siêu thị đầu tiên đã hình thành tại TP.HCM, Hà Nội và Đồng Tháp. Tín hiệu tốt từ người tiêu dùng đã khiến Vinatex Mart mỗi năm tiếp tục mở thêm hàng chục siêu thị trên khắp các tỉnh, thành.

Nếu chỉ chọn lựa sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao cấp thì sản phẩm chưa có thương hiệu sẽ khó có cơ hội đến với người tiêu dùng. Nếu hàng gì mình cũng đưa vào hệ thống thì sẽ không thuyết phục được khách hàng bởi hàng trong siêu thị mà chẳng khác gì ngoài chợ. Mâu thuẫn này khiến Vinatex Mart phải lựa chọn giải pháp: Bà đỡ cho các sản phẩm dệt may có chất lượng trung bình khá trở lên. Làm thế nào để người tiêu dùng dù ít hay nhiều tiền đều có thể xài hàng Việt Nam chất lượng ổn, giá phù hợp.

Định hướng cho nhà sản xuất

“Chúng tôi không phụ thuộc hoàn toàn vào mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu do các nhà cung cấp đưa ra. Không chỉ kinh doanh như một nhà bán lẻ, Vinatex Mart còn làm cầu nối định hướng về thời trang giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Chúng tôi phải luôn tự đánh giá sản phẩm nào đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tốt nhất, ở mức giá phù hợp nhất và đặt hàng theo mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng riêng để đáp ứng người tiêu dùng” - ông Trần Thanh Nhàn cho biết.

Không chỉ có mặt tại các tỉnh, thành phố lớn, Vinatex Mart còn xây dựng mô hình siêu thị tại vùng sâu, vùng xa, thậm chí còn xuất hiện tại những khu vực rất đặc biệt như siêu thị nhỏ tại các trường học, bệnh viện đa khoa tại Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Phước, Dăk Nông… với mong muốn đưa hàng dệt may trong nước tiến sâu vào thị trường nội địa.

“Mục tiêu trong năm 2010 sẽ mở rộng ra 80 siêu thị trên cả nước. Đến 2015 sẽ có 200 cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại và trung tâm bán sỉ phủ kín các tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời trở thành trụ cột chính trong việc bảo vệ thị phần hàng dệt may Việt Nam tại thị trường nội địa. Định hướng sẽ đưa Vinatex Mart thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu về hàng dệt may thời trang và nằm trong tốp ba hệ thống bán lẻ Việt Nam” - ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết.

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm