Ngày 6-9, nguồn tin củaPLO cho biết Ban vận động thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam đã nhận được thông báo qua email về quyết định của Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam.
"Quyết định này được ký vào ngày 3-9. Tôi cũng nghe nói cả hai hiệp hội nước mắm đều cùng được thành lập" - nguồn tin của cho biết.
Như vậy, sau ba năm kéo dài, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam cũng được thành lập.
Một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống. Ảnh: VŨ ĐÌNH
Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam có tất cả 17 thành viên, đại diện cho các vùng miền khác nhau với các thương hiệu nước mắm truyền thống nổi tiếng như Nha Trang, Khải Hoàn, Phú Quốc, Phan Thiết... Dự kiến sau khi nhận được bản Quyết định của Bộ Nội vụ, Ban vận động sẽ tiến hành tổ chức đại hội, lựa chọn nhân sự, bầu ban chấp hành để đi vào hoạt động.
Cùng ngày, trao đổi với PLO, PGS.TS Trần Đáng, Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cũng cho biết Bộ Nội vụ đã cho phép thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam.
"Bộ Nội vụ đã cho phép thành lập cả hai hiệp hội nước mắm. Việc tồn tại cả hai hiệp hội nước mắm không có vấn đề gì, việc của ai người đó làm, đều cùng mục đích giúp ngành nước mắm Việt Nam ngày càng phát triển" - ông Đáng nói.
Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam gồm một số công ty chuyên sản xuất nước mắm công nghiệp, trong đó có Tập đoàn Masan với các thương hiệu nước mắm như Chinsu, Nam Ngư...
Trước đó, Bộ Nội vụ cho biết trước đây cơ quan này có nhận được hồ sơ đề nghị lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, của Ban Vận động do Bộ NN&PTNT công nhận. Sau đó không lâu, lại có thêm hồ sơ đề nghị lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam từ một Ban Vận động khác do Bộ Y tế công nhận.
Do tên gọi hai hiệp hội gần giống nhau, lại trùng lặp về lĩnh vực hoạt động chính, có cùng phạm vi hoạt động cả nước nên Bộ Nội vụ chưa có đủ cơ sở xem xét, giải quyết về đề nghị thành lập hai hiệp hội này theo quy định của pháp luật.
Tháng 2-2018, Bộ Nội vụ đã đề nghị hai ban vận động ngồi lại với nhau, trao đổi, thảo luận, thống nhất lại các nội dung hoạt động hội cho phù hợp quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó hai ban vận động có văn bản gửi Bộ Nội vụ cũng như các bộ quản lý nhà nước liên quan, được hiểu là Bộ NN&PTNT quản lý về ngành thủy sản, và Bộ Y tế đồng quản lý về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, hơn hai tháng sau, Bộ Nội vụ không nhận được ý kiến phản hồi, vậy nên cơ quan này đã gửi trả hồ sơ xin lập hội cho hai ban vận động. Sau đó, hai Ban vận động vẫn tiếp tục xúc tiến việc lập hội của mình.