Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị ngày 4-7. Ảnh: CQ
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, chưa có giai đoạn nào mà du lịch giảm sâu như thế này, giảm cả về số lượng du khách lẫn doanh thu. Khách du lịch đến TP.HCM chỉ đạt 9,4 triệu lượt, giảm 54,7% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt hơn 34.000 tỉ, giảm 49,6%. Tương tự, ở ĐBSCL, khách du lịch đạt gần13 triệu lượt, giảm 51 %, doanh thu đạt hơn 10.000 tỉ, giảm 53%.
Trong bối cảnh khó khăn đó, 1.300 doanh nghiệp (DN) lữ hành của TP.HCM và hơn 250 DN lữ hành của các tỉnh, thành ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phần lớn bị sụt giảm hành khách lẫn doanh thu, nhiều DN phải chuyển đổi loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa…
TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL với lợi thế liên kết cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều. Nếu 10% dân số của TP.HCM (tương đương 1 triệu người) về du lịch ở ĐBSCL và ngược lại 10% dân số ĐBSCL (tương đương 2 triệu người) đến du lịch TP.HCM sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho DN và xóa bỏ dần tâm lý e ngại đi du lịch của người dân.
Theo ông Phong, từ sau hội nghị triển khai ở Bạc Liêu hồi tháng 12-2019 đến nay, ngành du lịch trải qua bốn tháng gần như tê liệt vì ảnh hưởng đại dịch nhưng 14 tỉnh, thành đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong chia sẻ thông tin, biện pháp phòng chống dịch và bước đầu triển khai hiệu quả một số chương trình liên kết.
Nổi bật là hình thành cơ chế phối hợp liên kết du lịch vùng TP.HCM và ĐBSCL, ra mắt trang website kích cầu du lịch, thực hiện hiệu quả ba chương trình kích cầu du lịch: “sắc màu vùng biển”, “non nước hữu tình” và “những nẻo đường phù sa”.
Ngoài ra, trong khoảng hai tháng không bị ảnh hưởng dịch bệnh đã có 50.000 lượt khách du lịch mua tour du lịch đến các tỉnh ĐBSCL, tăng 14% so với cùng kỳ. Các hoạt động khảo sát tour mới bắt đầu hoạt động trở lại. Hoạt động bồi dưỡng nguồn nhân lực được quan tâm triển khai…
Đổ bánh xèo - một món ăn mang nét đặc trưng của ĐBSCL được nhiều du khách ưa thích trải nghiệm và thưởng thức. Ảnh: NHẪN NAM
“Cần đặt mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa trong sáu tháng cuối năm sôi động trở lại. Tạo động lực cho mọi người dân đều muốn ra khỏi nhà, đi du lịch đó đây trong Việt Nam. Trên tinh thần đó, tất cả chúng ta cùng vào cuộc trên tinh thần quyết liệt, khẩn trương, phục hồi ngành du lịch với nỗ lực cao nhất…” – ông Phong nhấn mạnh.
Để thực hiện nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra sáu biện pháp, trong đó đáng chú ý như việc tập trung xây dựng thương hiệu du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Ông Phong đặt mục tiêu “phấn đấu đến quý 4-2020 bắt đầu truyền thông nhận diện thương hiệu du lịch vùng, trong đó mỗi địa phương là một đại sứ du lịch…”.
Đồng thời, chuẩn bị lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế, kết hợp các đơn vị phân tích dữ liệu quốc tế để nắm bắt kịp thời tâm lý của du khách quốc tế. Đối với những quốc gia đã kiểm soát tốt dịch cần có kế hoạch quảng bá để du khách biết đến TP.HCM và ĐBSCL là vùng du lịch an toàn và sống động.
“Với sự gắn kết chặt chẽ và bền vững này, chúng ta hoàn toàn có thể đặt mục tiêu trong thời gian tới thương hiệu du lịch vùng TP.HCM và ĐBSCL sẽ được du khách yêu thích hơn, lựa chọn là điểm đến hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình khám phá Việt Nam và Đông Nam Á; Phấn đấu đưa tỉ trọng ngành du lịch đóng góp từ 11-17% vào GRDP của mỗi địa phương” – ông Phong cho hay.
Lãnh đạo các địa phương trong vùng liên kết nhận quà nhân sự kiện sơ kết sáu tháng. Ảnh: NHẪN NAM
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho rằng TP.HCM là địa bàn hoạt động của gần 1.500 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành. Năm 2019, TP.HCM đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 32,7 triệu lượt khách nội địa. Nếu 2/3 số lượt khách này lựa chọn các hành trình là sản phẩm liên kết giữa TP.HCM và ĐBSCL thì sẽ tạo sự chuyển biến tích cực cho sự phát triển của du lịch toàn vùng.
Lợi thế chung của cả vùng là các giá trị di sản, văn hoá và lối sống đặc trưng của người Nam Bộ. Đồng thời, 14 địa phương vừa có điểm chung, vừa có sự khác biệt. Do đó, cần hình thành nên một thương hiệu du lịch chung toàn vùng và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực.
3 nội dung để liên kết hiệu quả Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, tiềm năng du lịch của ĐBSCL rất giàu có, phong phú và rất khác biệt, trên thế giới không còn nhiều vùng như thế này. Phát triển du lịch Việt Nam mà không phát triển du lịch ĐBSCL là một thiếu sót rất lớn. ĐBSCL không chỉ là nơi thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước mà nó còn cung cấp hơn 23 triệu du khách cho Việt Nam. Theo ông Thọ, để việc liên kết du lịch hiệu quả thì TP.HCM và ĐBSCL cần quyết liệt đi vào xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch và đào tạo nguồn nhân lực. Nếu làm được cả ba mặt này thì ĐBSCL sẽ là trung tâm du lịch lớn nhất của Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa lớn nhất. “Lâu nay nói câu quen miệng là sản phẩm du lịch của ĐBSCL trùng lắp nhưng tôi xin thưa, sản phẩm hoàn toàn không trùng lắp. Tôi ví dụ về ẩm thực, hủ tiếu Sóc Trăng có thịt heo quay nhưng ở Bến Tre khác. Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang) hoàn toàn khác với hủ tiếu Sa Đéc (Đồng Tháp). Sản phẩm hoàn toàn khác biệt, chúng ta có cù lao, rừng ngập mặn, rừng tràm...” – ông Thọ nhận xét. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nói rằng: “Chúng ta phải nói thật với nhau để phát triển. Trong tất cả các vùng du lịch của Việt Nam thì nguồn nhân lực của ĐBSCL là yếu nhất, yếu hơn miền Trung, miền Bắc, thậm chí yếu hơn cả Đông Nam Bộ”. Theo đó, ông Thọ cho rằng vấn đề nguồn nhân lực không thể để các trường đại học đào tạo được hay tự các DN làm được mà chính quyền từng địa phương phải ủng hộ một chi phí nhất định, thúc đẩy các DN, cùng với nhân dân bỏ ra để học. Việc học không chỉ học lý thuyết mà 70% học thực hành thì “mấy em” mới có thái độ, kỹ năng, ngoại ngữ. Để từ đó lôi kéo khách du lịch nội địa tới đây. Và trên cơ sở đó, khách du lịch quốc tế sẽ bùng nổ ở ĐBSCL. |