Chưa đầy một tháng nữa, Uniqlo hãng thời trang lớn nhất Nhật Bản sẽ chính thức bước vào thị trường Việt Nam. Với vị trí mặt bằng đắc địa, hãng thời trang này cũng xác định Việt Nam sẽ là thị trường phát triển đầy triển vọng của Đông Nam Á.
Dù vậy mới đây, ông Yukihiro Katsuta, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Fast Retailing, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Uniqlo, thừa nhận với báo chí rằng giá cả mặt bằng tại nước ta quá cao. Đây chính là rào cản khiến Uniqlo mất hai năm để cho ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.
Ông Yukihiro Katsuta, thừa nhận với báo chí rằng giá cả mặt bằng tại Việt Nam quá cao nên kéo dài thời gian ra mắt cửa hàng đầu tiên.
Theo thống kê từ Colliers International Vietnam vào quý II/2019, giá thuê tại Vincom Đồng Khởi ở đối diện Parkson Saigontourist Plaza là 102 USD/m2, thuộc top 7 trung tâm thương mại đắt đỏ nhất TP.HCM.
Tại buổi gặp mặt truyền thông trước thềm ra mắt, Uniqlo cho hay sẽ phát triển thời trang theo hướng bền vững với môi trường cùng triết lý thời trang LifeWear, tức tập trung vào nhu cầu sử dụng hằng ngày cho nhiều đối tượng khách hàng. Vị này cũng tin rằng với triết lý ấy các sản phẩm của Uniqlo chắc chắn sẽ bán tốt.
Để chứng minh cho xu hướng phát triển bền vững này, đại diên Uniqlo đã giới thiệu dòng sản phẩm Jeans sử dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu lượng nước lên đến 99% trong quá trình giặt vải, hoặc dòng sản phẩm DryEX được sáng tạo từ các vỏ chai nhựa tái chế (PET bottle) thành những sợi vải khô nhanh.
Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, phong cách tiêu của giới trẻ châu Á đang buộc các công ty trong mọi lĩnh vực phải tuân theo các giá trị của họ về đạo đức xã hội và mục tiêu bền vững trong kinh doanh, để chống lại những biến đổi môi trường. Thời trang cũng phải đi theo xu hướng đó.
Chính vì thế, giới chuyên gia cũng nhận định rằng trong tương lai không xa, thời trang bền vững sẽ trở thành điều kiện sống còn cho các doanh nghiệp kinh doanh may mặc.
Theo BMI Research, doanh số các hãng thời trang tại Việt Nam đang tăng mạnh bởi người Việt ngày càng mạnh tay chi mua sắm hàng thời trang. Ước tính quy mô thị trường đạt mốc 5 tỉ USD vào năm 2021. Sự gia nhập của Uniqlo theo một chuyên gia kinh tế sẽ làm nóng lên cuộc đua giành thị phần trong bối cảnh các hãng thời trang ngoại đang chọn Việt Nam làm "miền đất hứa" như Zara, H&M hay thương hiệu thời trang quốc tế đến từ Úc Cotton:On mới ra mắt vào giữa tháng 11 này...
Đồng thời cũng tạo ra một áp lực cạnh tranh thị trường đối với thời trang trong nước. TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội cho rằng để các sản phẩm VN cạnh tranh như các thương hiệu quốc tế là rất khó trong thời gian ngắn.
Do đó các doanh nghiệp Việt nên hình thành các chuỗi liên kết; từng bước đi lên theo chuỗi giá trị, cung ứng, thiết kế đi vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có nguồn nhân lực tương xứng giai đoạn 4.0 và các nhà thiết kế thời trang giỏi hiểu xu hướng khách hàng để tung ra bộ sưu tập sản phẩm đủ khả năng cạnh tranh.