'Đầu tư nước sạch không phải là chạy theo mốt'

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong tâm điểm cuộc khủng hoảng nước sạch vẫn còn dư âm, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, đề nghị: “Phải xem lại toàn bộ các nhà máy nước đang bán nước sinh hoạt cho dân khai thác từ nguồn nào, sử dụng quy trình công nghệ gì? Nước bơm tới nhà dân có thực sự an toàn không? Ai kiểm tra, giám sát quá trình này?”.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội cấp thoát nước Việt Nam, cho biết đã có những văn bản pháp luật đưa hẳn hoạt động cấp nước vào dịch vụ công ích, trong đó quy định rõ những vấn đề liên quan đến đặt hàng, ký hợp đồng đối với cấp nước đô thị.
"Khi xác định cấp nước đô thị là dịch vụ công ích thì nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, phải ký hợp đồng, đấu thầu, đặt hàng với doanh nghiệp cấp nước hoặc doanh nghiệp có nhà máy nước đầu nguồn. Không có vai trò này của Nhà nước thì không phải là dịch vụ công ích" - ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, như vậy trong hoạt động này, Nhà nước là bên chủ trì còn doanh nghiệp là bên thực hiện thông qua việc đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước. Doanh nghiệp này có thể là tư nhân hay cổ phần, song đều cần phải có cấp phép của Nhà nước mới được đầu tư làm nhà máy nước, sau đó việc bán nước cho dân không trực tiếp mà phải thông qua một đơn vị trung gian.

Đơn vị cung cấp dịch vụ này thông thường phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm quyền chi phối. Vì thông qua những đơn vị cung cấp này, Nhà nước quy định về khung giá bán cho dân.

Khung giá bán này được quy định tại Thông tư 88 của Bộ Tài chính, giá bán nước ở đô thị mức cao nhất là 12.000 đồng/m3, bán cho dịch vụ kinh doanh đến 18.000 đồng/m3. Hà Nội hiện đang ở mức giữa khoảng 6.000 đồng/m3.

Ông Hưng cũng đồng ý quan điểm rằng: "Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nước này không phải là chạy theo mốt. Nhà nước không thể cứ thả lỏng cho doanh nghiệp như thế được, bởi khó tránh trường hợp doanh nghiệp cứ cái gì rẻ là họ làm thôi. Họ mua về đường ống kém, máy móc thiết bị không tốt. Như vừa qua, doanh nghiệp không sử dụng thiết bị, đường ống đạt chuẩn, dây chuyền không đồng bộ nên mới liên tục xảy ra sự cố". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm