Vinamilk: 12 trang trại bò sữa sẽ sử dụng năng lượng mặt trời

Tính đến đầu năm 2021, Vinamilk đã có năm trang trại đưa vào sử dụng điện mặt trời và theo lộ trình sẽ tiếp tục triển khai trên toàn bộ hệ thống trong năm nay.

Đẩy mạnh năng lượng tái tạo tại 12 trang trại 4.0 của Vinamilk

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo đang được khuyến khích đầu tư tại các trang trại 4.0 trên thế giới. Đây là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, từ quang năng của ánh sáng mặt trời được chuyển hóa thành điện năng qua hệ thống tấm pin và hệ chuyển đổi, lắp đặt trong khuôn viên chuồng trại. Từ đó hình thành nên hệ thống điện sạch, an toàn, phục vụ cho các hoạt động vận hành và sinh hoạt của trang trại, phần dư được đưa lên lưới điện quốc gia, đóng góp vào việc sản xuất năng lượng sạch.

Sau quá trình khảo sát, thí điểm, Vinamilk bắt đầu triển khai việc sử dụng năng lượng mặt trời tại tất cả các trang trại bò sữa (TTBS) từ năm 2020. Trong đó, TTBS Organic Đà Lạt là đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái ở các khu vực chuồng trại. Kết quả cho thấy có gần 60.000 kWh điện năng/năm đã được tái tạo và giảm đáng kể lượng khí CO2 thải ra môi trường (số liệu năm 2020)

Hệ thống năng lượng mặt trời tại trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt tiết kiệm điện năng hiệu quả

Sau quá trình thực hiện thí điểm, năm 2020, việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tiếp tục được triển khai giai đoạn 1 tại các trang trại còn lại ở tỉnh Lâm Đồng, TTBS Bình Định và TTBS Quảng Ngãi. Trong đó, TTBS Quảng Ngãi ước tính sẽ có công suất và lượng điện sản xuất lớn nhất sau khi hoàn thiện và chính thức đi vào hoạt động. Như vậy, đến thời điểm nay, đã có 5/12 trang trại bò sữa của Vinamilk đã chuyển đổi sang điện mặt trời với tổng lượng điện ước tính đạt hơn 19 triệu kWh, giúp giảm hơn 17,3 triệu kg khí CO2 phát thải.

Trang trại Vinamilk Quảng Ngãi đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống năng lượng mặt trời

Theo lộ trình, khi năng lượng mặt trời được sử dụng trên quy mô 12 trang trại cả nước, tổng công suất có thể đạt hơn 54 MWp, giúp tái tạo gần 70 triệu kWh điện năng/năm. Điều nay sẽ góp phần giảm hơn 62 triệu kg khí CO2/năm gây hiệu ứng nhà kính thải ra bầu khí quyển, con số tương đương với khả năng hấp thụ của hơn 3,4 triệu cây xanh được trồng.

Hiện thực hóa về năng lượng bền vững

Bên cạnh việc xây dựng các trang trại 4.0, mở rộng quy mô đàn bò sữa, nâng cao sản lượng, phát triển bền vững là một định hướng rõ nét của Vinamilk đối với việc phát triển hệ thống trang trại bò sữa. Trong đó, năng lượng và môi trường là những yếu tố được chú trọng; tăng tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, vận dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn về năng lượng…

Điển hình như hệ thống Biogas đã giúp biến chất thải gia súc thành phân bón cho cây trồng, đồng cỏ, vừa thu hồi được khí metan để sử dụng thành chất đốt, hạn chế được việc sử dụng điện năng trong một số hoạt động của trang trại.

Sơ đồ về hệ thống Biogas tại các trang trại bò sữa Vinamilk

Ngoài việc gia tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, Vinamilk còn tiên phong nghiên cứu, đầu tư các hệ thống sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. Đó là các dây chuyền, máy móc thiết bị nhập khẩu từ EU/G7 với các tiêu chuẩn khắt khe về khí thải, cải tạo hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn LED thay thế cho bóng sợi đốt/huỳnh quang, sử dụng robot chạy điện thay thế dần các động cơ diezel, các phần mềm giám sát năng lượng để phân tích tối ưu hóa nhu cầu tiêu thụ, tổn thất, phần mềm tính toán vận hành để tăng hiệu suất máy móc thiết bị… Tất cả đều nhằm góp phần giảm lượng điện tiêu thụ và lượng khí CO2 đáng kể so với các phương pháp cũ trước đây.

Năm 2021, Vinamilk sẽ triển khai các dự án liên quan đến định hướng phát triển bền vững cho các trang trại bò sữa. Đây được xem là hướng đi không chỉ giúp phát triển ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại, chuẩn quốc tế mà còn bền vững và tạo dựng các giá trị chung theo các mô hình về phát triển bền vững của thế giới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm