Ngày 24-4, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) quận 7, TP.HCM khai mạc triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế 2024 (Global Sourcing Fair Việt Nam).
Triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế 2024 quy tụ 400 nhà cung cấp
Triển lãm nhằm kết nối các nhà mua hàng trên thế giới có nhu cầu tìm nguồn cung các sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu từ Việt Nam, Châu Á cũng như đáp ứng nhu cầu tìm nguồn cung sản phẩm ngày càng tăng từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, triển lãm còn là cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội xuất khẩu, mở rộng kinh doanh trên thị trường toàn cầu.
Triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế năm nay quy tụ hơn 400 nhà cung cấp Việt Nam và khu vực Châu Á, trong đó có 70% nhà cung cấp Việt Nam, 30% còn lại đại diện cho các thị trường trọng điểm gồm Malaysia, Bangladesh, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Các doanh nghiệp sẽ giới thiệu hơn 20.000 sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu thuộc các ngành hàng nhà cửa và nội thất; quà tặng và thủ công mỹ nghệ; thời trang và phụ kiện; dệt may và phụ liệu thời trang.
Đặc biệt, khách tham quan có cơ hội khám phá những sản phẩm độc đáo từ làng nghề truyền thống, các hiệp hội chuyên ngành như: Hiệp hội dệt may Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam...
Ông Hu Wei, Giám đốc điều hành Global Sources cho biết, điểm nhấn nổi bật tại triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế 2024 sự đa dạng hóa về nguồn cung ứng quốc tế.
Chúng tôi thu hút các nhà trưng bày từ Việt Nam và khắp Châu Á, đáp ứng nhu cầu tìm nguồn cung ứng từ châu Á của nhà mua hàng từ khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, thông qua nền tảng trực tuyến Global Sources với hơn 1.000 phiên kết nối giao thương được đặt lịch hẹn trước, giúp kết nối doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu cụ thể của cả nhà mua hàng và nhà cung cấp.
Hơn nữa, với các sự kiện song hành tại triển lãm như trình diễn thời trang, tham quan nhà máy… góp phần thúc đẩy thương mại và hợp tác quốc tế.
Hàng dệt may Việt Nam tốp 5 xuất khẩu nhiều sang Malaysia
Là nhà đã sản xuất, phân phối thực phẩm ăn liền làm từ ngũ cốc phủ sôcôla, công ty Nims Adelicious đã bán hơn ba triệu hộp sản phẩm cho người tiêu dùng Malaysia vào năm 2020.
Bà Mia Husna Mat, Giám đốc Công ty Nims Adelicious cho biết, các sản phẩm Crispy Choco của công ty được nhiều khách hàng từ Việt Nam đặt mua qua các sàn thương mại điện tử.
Tôi nhận thấy Việt Nam khá tiềm năng nên lần đầu tiên tham gia triển lãm để khảo sát, sau đó sẽ có kế hoạch thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
“Hơn nữa, thông qua triển lãm mong muốn tìm được nhà phân phối tại Việt Nam để bán được các đơn hàng lớn đồng thời, để sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng Việt Nam. Thay vì đặt mua online hàng hóa vận chuyển về Việt Nam giá cả không tốt, khó cạnh tranh”-bà Mia Husna Mat nói.
Bên cạnh đó, bà Mia Husna Mat chia sẻ, nhận thấy hàng dệt may Việt Nam rất nổi tiếng nên có ý tưởng sẽ thu mua lụa của Việt Nam để bán tại thị trường Malaysia.
Theo Thương vụ Malaysia tại Việt Nam, hàng may mặc, giày dép luôn nằm trong tốp 5 mặt hàng chính của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Malaysia.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, triển lãm mang đến cơ hội cho hội viên giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường từ đó tìm kiếm thêm đối tác mới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể kết nối trực tuyến với người mua toàn cầu đồng thời thông qua triển lãm DN Việt Nam có cơ hội tìm hiểu các xu hướng, công nghệ mới.
Một số hình ảnh khác tại triển lãm:
.