Hy Lạp loại trở ngại để thoát nguy cơ vỡ nợ công

Động thái này cũng chuyển sự quan tâm của EU và IMF sang gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp.

Các biện pháp nói trên nhận được 155 thuận và 136 phiếu chống. Phe đối lập trong Quốc hội ủng hộ kế hoạch cổ phần hóa một số tài sản quốc gia nhằm thu về 50 tỷ euro và kế hoạch tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước lên tới 28,4 tỷ euro trong 5 năm tới, nhưng phản đối việc tăng thuế mạnh đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng George Papandreou khẳng định Quốc hội đã vượt qua một cuộc đấu tranh cam go để đưa Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào mùa Hè này. Nếu không nhận được khoản cứu trợ thứ năm trị giá 12 tỷ euro đúng hạn vào giữa tháng 7 tới, Hy Lạp sẽ trở thành nước đầu tiên trong Khu vực đồng euro bị vỡ nợ công.

Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Baroso ca ngợi quyết định trên của Quốc hội Hy Lạp là một hành động vì sự đoàn kết dân tộc thứ hai, sau quyết định thông qua gói chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới trong cuộc bỏ phiếu ngày 29/6 vừa qua. Hai quan chức này cũng khẳng định Hy Lạp đã đáp ứng các điều kiện để được nhận khoản cứu trợ tiếp theo từ EU và IMF.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro sẽ nhóm họp vào ngày 3/7 tới để soạn thảo các chi tiết liên quan gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp với quy mô tương tự gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ euro. IMF cũng sẽ có hành động tương tự sau đó 2 ngày.

Định chế cho vay lớn nhất thế giới này hy vọng sẽ đi đến giải pháp tích cực trong đàm phán với các nước EU nhằm đảm bảo nguồn cứu trợ đầy đủ cho chương trình kinh tế của Hy Lạp.

Đồng euro và các thị trường chứng khoán thế giới đã tăng giá, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ của Hy Lạp giảm nhẹ sau khi quốc gia này có triển vọng thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công trước mắt. Tuy nhiên, dư luận rộng rãi cho rằng "tiếng thở phào nhẹ nhõm" ở Hy Lạp sẽ không kéo dài. Tình hình ở Hy Lạp có thể im ắng trong vài tuần, nguy cơ vỡ nợ trước mắt đã được loại bỏ, song các cuộc biểu tình kèm bạo lực ở Hy Lạp khiến thế giới đặt câu hỏi liệu Hy Lạp có thực hiện được những biện pháp nói trên hay không.

Nhiều nhà đầu tư và kinh tế vẫn dự báo Hy Lạp có thể vỡ nợ trong thời gian trung hạn. Các thị trường bảo hiểm tín dụng dự báo khả năng gần 80% Hy Lạp không có khả năng thanh toán khoản nợ 350 tỷ euro (tương đương 150% GDP) trong 5 năm tới.

(TTXVN/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm