Kích cung hay kích cầu?

Cụ thể, dự thảo quy định mục đích cho vay có hỗ trợ chỉ là để thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc mua nhà ở thương mại, không có nội dung người thu nhập thấp được vay để mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, điều băn khoăn lớn nhất lại là việc NHNN quy định thêm đối tượng được vay hỗ trợ là các doanh nghiệp (DN) đang là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc các DN là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.

Chúng ta đều biết chủ trương cho vay hỗ trợ lãi suất của ngân hàng theo nghị quyết của Chính phủ nhằm mục tiêu giúp người thu nhập thấp có nhà, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Thực tế với những người thu nhập thấp không phải ai cũng có sẵn tiền tiết kiệm hoặc vay người thân để có đủ tiền mua được nhà ở xã hội, nên đa số phải dựa vào nguồn vay ưu đãi (có hỗ trợ lãi suất). Thế mà NHNN lại “chơi khó” bằng cách đưa ra quy định phải mua nhà ở thương mại mới được vay.

Nhìn rộng ra ở các nước trong khu vực, khi kinh tế đi xuống thì cách trợ giúp của Chính phủ là hỗ trợ người dân qua các biện pháp giảm thuế đánh vào cá nhân hoặc đưa tiền cho người dân tiêu dùng… qua đó DN cung ứng hàng hóa dịch vụ hưởng lợi gián tiếp. Thế nhưng lâu nay các chính sách hỗ trợ của ta đều… ngược, chỉ luôn ưu tiên kích cung chứ không phải kích cầu. Ngay Bộ Xây dựng dù bị sức ép của DN rất lớn, song vẫn đề xuất trong số 30.000 tỉ đồng dự kiến dành cho vay hỗ trợ thì nên chia làm hai phần, trong đó 65% là dành để cho người thu nhập thấp vay mua nhà, 35% còn lại cho các chủ đầu tư vay để triển khai dự án.

Thế nhưng đề xuất này lại không được NHNN đưa vào dự thảo văn bản với lý do là các ngân hàng thương mại rất khó để kiểm soát tỉ lệ cho vay này. Thậm chí NHNN còn yêu cầu người vay phải “đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn thông thường thì mới được vay hỗ trợ” khiến người thu nhập thấp… ngã ngửa. Đã thu nhập thấp thì lấy đâu “tài sản thế chấp” và căn nhà (sẽ mua) hay tài sản hiện có của họ sẽ được bao nhiêu giá trị nếu đi vay thông thường?

Và cứ “kích cung” như thế này thì bao giờ mới gặp “cầu” (người thu nhập thấp) thực sự?

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm