Mua điện từ Trung Quốc là việc bình thường (?)

Ông Tri cho biết suốt từ tháng 8 năm ngoái đến nay, giá điện vẫn giữ nguyên dù giá nguyên liệu đầu vào đều tăng. Trong đó, giá than đã điều chỉnh tăng 30%, giá khí tăng bình quân 2%/năm. “Năm 2014, giá dầu thế giới giảm mạnh nhưng cơ cấu phát điện chạy dầu chiếm tỉ trọng rất ít mà chủ yếu tập trung vào than và khí. Giá than tăng khiến chi phí của EVN tăng thêm 2.000 tỉ đồng; giá khí cũng làm chi phí sản xuất tăng lên hơn 1.000 tỉ đồng; thuế tài nguyên nước tăng khiến EVN nộp thêm 1.000 tỉ đồng, chênh lệch tỉ giá 8.800 còn treo… Tổng cộng chi phí của EVN trong năm 2014 là hơn 15.000 tỉ đồng” - ông Tri phân tích.

Bên cạnh đó, ông Tri cho biết năm nay tình hình thủy văn ổn định và tỉ giá ít biến động nhưng vẫn không thể bù đắp được các chi phí tăng lên khác. Cụ thể, nguồn phát từ thủy điện giúp EVN giảm được 2.000 tỉ đồng, so với con số chi phí đội lên 15.000 tỉ đồng là quá nhỏ. Do đó, tuy năm 2014 dự kiến lãi khoảng 300 tỉ đồng nhưng vẫn không đủ để bù đắp chi phí tăng lên đó.

Để giải quyết số tiền đó, ông Tri cho biết chỉ còn cách tăng giá điện nhưng trong năm 2014 EVN chưa được tăng giá điện. Thay vào đó, EVN đề xuất Chính phủ một số chính sách như hoãn hạch toán chênh lệch tỉ giá năm 2013 vào giá thành điện, xin nộp chậm chi phí giá khí còn nợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 7.600 tỉ đồng.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay giá dầu chỉ là yếu tố nhỏ trong cơ cấu giá thành điện. Giá dầu giảm chỉ tác động đến một số nhà máy phát điện chạy dầu khi xảy ra thiếu điện. Trong khi đó, phần lớn nguồn điện được phát từ thủy điện, nhiệt điện than và khí. “Việc điều chỉnh giá điện sẽ tuân thủ Quyết định 69/2014 của Thủ tướng, trong đó quy định rõ chi phí các yếu tố đầu vào. Sau khi EVN công khai giá thành, Bộ Công Thương sẽ tính toán giá điện và căn cứ thực tế giá nguyên liệu, cơ cấu nguồn phát và tỉ giá. Nếu các yếu tố này tăng thì sẽ tăng giá điện và ngược lại nếu đầu vào giảm thì sẽ giảm giá điện” - ông Tuấn cho hay.

Trả lời câu hỏi vì sao EVN nhiều năm qua mua điện Trung Quốc với sản lượng cao dù điện trong nước đã đáp ứng được nhu cầu, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay giá điện của Trung Quốc thấp hơn so với giá điện từ các nhà máy nhiệt điện than, khí của Việt Nam.

Tiếp lời ông Tuấn, ông Đinh Quang Tri giải thích việc mua điện các nước biên giới là rất bình thường. Đây cũng là biện pháp tăng công suất dự phòng khi nguồn điện Việt Nam gặp sự cố. “Việc liên kết lưới điện là một trong những chiến lược của các nước xung quanh. Giá điện biên giới thường rẻ và điện áp ổn định; EVN chủ trương duy trì kết nối này, trong năm 2015 dự kiến sẽ mua 1,8 tỉ kWh, giảm đi nhiều so với lúc cao điểm 5 tỉ kWh” - ông Tri lý giải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm