Khó đưa hàng vào siêu thị, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt chấp nhận chọn con đường gia công làm nhãn hàng riêng cho siêu thị - mang thương hiệu riêng của siêu thị. Khi gia công nhãn hàng riêng, DN mong muốn có chỗ đứng trong siêu thị, có đầu ra cho sản phẩm. Nhưng nay cửa vào siêu thị của DN Việt đang hẹp dần.
Cửa hẹp cho DN Việt
Hệ thống siêu thị Big C (gồm 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi đã lọt vào tay đại gia Thái Lan với giá 1,05 tỉ USD) vừa cho biết họ sẽ ngưng bán nhãn hàng riêng.
Đây là động thái khá bất ngờ bởi từng có thời điểm siêu thị này tuyên bố có trên 1.000 mặt hàng mang nhãn hàng riêng, từ thực phẩm đông lạnh, chế biến, hóa mỹ phẩm cho đến những đồ dùng trong gia đình. Đồng thời siêu thị này cũng từng khẳng định sẽ đầu tư để phát triển mạnh mảng kinh doanh này.
Là khách hàng lâu nay thường mua nhãn hàng riêng của Big C, chị Lan Hương nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM tỏ ra tiếc nuối. “Lâu nay tôi thường mua hàng thực phẩm chế biến mang thương hiệu riêng của siêu thị vì giá rẻ hơn 10%-30% so với các nhóm hàng cùng thương hiệu. Nhờ đó tôi tiết kiệm được đáng kể chi tiêu cho gia đình. Ví dụ cùng một lít dầu ăn, nếu mang nhãn hàng siêu thị bán giá 24.000 đồng, trong khi hàng thương hiệu nổi tiếng giá tới khoảng 34.000-36.000 đồng. Nay nghe tin siêu thị ngừng bán nhãn hàng riêng tôi thấy hơi lạ và tiếc” - chị Hương nói.
Một DN gia công sản phẩm giấy cho Big C chia sẻ đang làm ăn với một đối tác có đơn hàng, doanh số ổn định nay bỗng dưng bị ngừng hợp đồng thì ít nhiều có ảnh hưởng đến kinh doanh. Ví dụ, sản phẩm bị thu hẹp đầu ra, lãng phí công suất máy móc, thiết bị, đối mặt với việc cắt giảm nhân công... Khó khăn khi siêu thị không còn đặt hàng làm nhãn hàng riêng nữa là điều chắc chắn.
“Theo tôi, việc Big C tuyên bố ngưng phát triển nhãn hàng riêng nhưng trên thực tế có đúng như vậy hay không thì cần phải kiểm chứng. Rất có thể họ không đặt hàng DN Việt làm nhãn hàng riêng là để phục vụ cho một chiến lược nào đó” - vị đại diện công ty trên nhận định.
Hiện nay mỗi siêu thị đều có hàng ngàn mặt hàng mang nhãn hàng riêng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Big C. Ảnh: TÚ UYÊN
Đại diện một công ty chế biến thực phẩm có sản lượng sản xuất hàng nhãn riêng chiếm khoảng 30% trong tổng công suất của DN cũng cho hay: Sở dĩ công ty sản xuất hàng nhãn riêng cho nhà bán lẻ vì muốn tận dụng tối đa công suất của máy móc, tạo việc làm ổn định cho người lao động, không phải lo về thị trường đầu ra cho sản phẩm và giảm được nhiều khoản chi phí khác.
“Chúng tôi xem việc làm gia công cho các thương hiệu của nhà bán lẻ như là mảng sản xuất chính của mình. Chúng tôi cũng ý thức được rằng khi làm nhãn hàng riêng cho siêu thị thì hình ảnh thương hiệu của bản thân DN ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng nếu không làm thì DN khác sẽ làm. Rất tiếc là họ chỉ cần mình trong một giai đoạn, sau đó sẵn sàng bỏ mình” - vị đại diện DN trên ngậm ngùi.
TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối bán lẻ, nhận định: “Nếu siêu thị tìm đựợc nhà gia công khác tốt hơn, giá rẻ hơn thì họ sẽ thay đối tác ngay”.
Ngưng nhãn hàng riêng để hỗ trợ DN Việt?
Đại diện hệ thống siêu thị Big C xác nhận đã hạn chế chính sách phát triển nhãn hàng riêng, chỉ bán nhãn hàng riêng còn tồn đọng. Thay vào việc phát triển nhãn hàng riêng, siêu thị sẽ tập trung hỗ trợ các DN Việt phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu của riêng họ. Đặc biệt là các DN vừa và nhỏ địa phương thông quan chương trình Đồng hành cùng thương hiệu Việt.
“Với chính sách mới này, các DN vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ phát triển thương hiệu riêng, hỗ trợ mặt bằng để trưng bày hàng hóa trong siêu thị. Đồng thời, họ sẽ được ưu tiên để có thể tiếp cận người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu, xây dựng kênh phân phối mới…” - đại diện Big C cam kết.
Tuy nhiên, nhiều DN và chuyên gia tỏ ra hoài nghi về lời hứa của Big C. “Tôi nghĩ họ ngừng đặt DN Việt làm nhãn hàng riêng để tạo cơ hội cho hàng Thái Lan lấp đầy siêu thị. Việc thay đổi chính sách này chủ yếu có lợi cho siêu thị. Thực tế cho thấy sau khi tập đoàn bán lẻ của Thái Lan Central Group mua lại Big C, họ cũng ưu ái cho hàng Thái và không còn mặn mà với DN Việt” - đại diện một DN không muốn nêu tên nói.
Việc các DN gia công nhãn hàng riêng cho các siêu thị nếu có cam kết, ràng buộc rõ ràng thì vẫn mang lại lợi ích, tăng trưởng cho cả đôi bên. Ví dụ, DN tối ưu hóa công suất máy móc, thiết bị, giảm chi phí sản xuất…, còn hệ thống bán lẻ tạo dựng được thương hiệu qua sản phẩm chất lượng. Do vậy cần bắt tay nhau để đẩy mạnh phát triển những lợi thế riêng của cả hai bên. Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel |
Đồng quan điểm, TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối bán lẻ, phân tích: “Tôi cho rằng khó có khái niệm giúp đỡ hay đồng hành cùng DN Việt trong trường hợp này. Big C đã có chủ sở hữu mới là Thái Lan nên có thể họ ngừng làm nhãn hàng riêng với DN Việt.
Thay vào đó họ nhập hàng từ Thái Lan sang với giá rẻ hơn hoặc họ sẽ gia công ở Thái Lan rồi đưa vào siêu thị bán. Điều này cũng có nghĩa là họ muốn hỗ trợ DN Thái Lan nói riêng và hàng Thái Lan nói chung”.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng nhận định Thái Lan đã thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam (VN). Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group… đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại VN thời gian qua và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại VN. Đây là điều kiện thuận lợi để DN Thái đưa trực tiếp hàng của nước họ tới người tiêu dùng VN.
“Đề nghị hệ thống siêu thị do DN Thái Lan sở hữu tăng cường hỗ trợ giới thiệu, bán, tiêu thụ các sản phẩm của VN” - Bộ Công Thương nêu mong muốn.
Nhãn hàng riêng có lợi thế giá rẻ Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nhãn hàng riêng là xu thế tất yếu đối với sự phát triển của kênh bán lẻ hiện đại. Tại các thị trường phát triển, thị phần của sản phẩm hàng nhãn riêng đang chiếm khoảng 20%, đặc biệt tại châu Âu lên đến 30%. Thậm chí tại một số nước, độ phủ nhãn hàng riêng trong siêu thị chiếm đến 80%-90% lượng hàng. Trong khi ở VN, tỉ lệ này chỉ mới hơn 3% trên tổng số các mặt hàng kinh doanh tại hệ thống bán lẻ. Khảo sát tại các siêu thị cho thấy giá cả hàng hóa với nhãn hàng riêng thường thấp hơn 10%-30% so với sản phẩm có thương hiệu cùng loại. |