Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết nhiều quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ đang có nhu cầu nhập khẩu khẩu trang, thiết bị phòng, chống dịch để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ví dụ, riêng thị trường Mỹ đang có nhu cầu nhập khoảng 500 triệu khẩu trang N95, 200 triệu khẩu trang các loại, 1.000 máy trợ thở, 1 tỉ găng tay, 100 triệu bộ áo choàng y tế...
Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu khẩu trang không chỉ có lợi ích về mặt kinh tế mà qua đó vai trò của Việt Nam cũng được thế giới nhìn nhận.
Thị trường khẩu trang vải trong nước dần bão hòa
Ông Đào Xuân Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định, cho biết đang tập trung sản xuất vải để bán lại cho các đơn vị may khẩu trang. Còn sản xuất khẩu trang chỉ làm theo đơn đặt hàng. “Hiện chúng tôi chỉ tập trung sản xuất vải vì thị trường khẩu trang giờ cũng bão hòa khi số lượng DN tham gia sản xuất ngày càng nhiều” - ông Nghĩa nói.
Ông Hoàng Ngọc Anh, Giám đốc Công ty cổ phần May Hưng Việt, cũng thông tin công ty đang hoạt động cầm chừng vì đầu ra khẩu trang gặp khó khăn. Hiện Hưng Việt đang bị tồn khoảng 1 triệu chiếc khẩu trang vải chưa tìm được đầu ra.
Trong khi thị trường khẩu trang vải trong nước đang ngày càng bão hòa thì giá vải làm khẩu trang lại tăng mạnh. “Sáng nay (27-4), tôi đi một vòng qua ba, bốn nhà máy sản xuất để đặt mua vải nhưng giá vải lên cao quá, gấp 3-4 lần so với ngày thường. Tình hình ngày càng khó khăn” - ông Hoàng Ngọc Anh cho biết.
Theo thông tin từ một số DN, mới đây một số nước đã đặt mua khẩu trang y tế của Trung Quốc nhưng sau đó phải cho thu hồi vì không đạt các bài thử nghiệm chất lượng. Điều này khiến khách hàng đưa ra cảnh báo sẽ không nhận hàng nếu vật tư nhập từ Trung Quốc, mà yêu cầu phải xuất xứ Việt Nam hoặc một nước nào khác ngoài Trung Quốc.
Đại diện một công ty cổ phần y tế cho hay nhiều đối tác nước ngoài từ Mỹ, châu Âu muốn đặt hàng khẩu trang y tế nhưng chưa dám nhận lời vì còn vướng thủ tục xuất khẩu. “Tôi cho rằng cần siết chặt về chất lượng khẩu trang, loại bỏ các công ty lôm côm sản xuất hàng kém chất lượng nhằm tránh mất uy tín quốc gia, như trường hợp hàng loạt đơn hàng khẩu trang của Trung Quốc bị châu Âu trả lại. Tuy nhiên, không nên khống chế số lượng khẩu trang xuất khẩu, bởi đây là thời điểm tốt để xuất khẩu sang các nước châu Âu hay Mỹ” - vị đại diện công ty trên nêu quan điểm.
Hoạt động may khẩu trang tại một doanh nghiệp. Ảnh: CTV
Không nhanh, cơ hội xuất khẩu sẽ vụt qua
Trong khi thủ tục xuất khẩu khẩu trang vải đã được gỡ vướng thì việc xuất khẩu khẩu trang y tế vẫn đang bị tắc. Đại diện Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương khẳng định năng lực sản xuất sản phẩm này của DN rất lớn. Song việc xuất khẩu gặp khó khăn vì chưa mua đủ dự trữ.
Cụ thể là do ngành y tế trong nước chưa mua đủ khẩu trang y tế để dự trữ. Trong 60 triệu chiếc khẩu trang y tế cần mua dự trữ thì mới mua được 46 triệu chiếc, còn lại 14 triệu chiếc vẫn chưa mua được.
Theo thông tin mà Pháp Luật TP.HCM có được, lý do chưa mua đủ số khẩu trang y tế dự trữ là do cơ quan y tế mua với giá thấp nên DN không bán. Cạnh đó là do vướng Nghị quyết 20 ngày 28-2-2020 của Chính phủ về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch.
Sản xuất hơn 13 triệu chiếc/ngày Số liệu từ Bộ Công Thương cho hay tính đến ngày 27-4, đã có 116 DN tham gia sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn với năng lực sản xuất hơn 13 triệu chiếc/ngày. Tuy vậy, hiện đang tồn kho 20 triệu chiếc tại 20 DN. |
Hiện tại, Bộ Y tế cùng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đang khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi nghị quyết này để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu khẩu trang. Tuy nhiên, trong tờ trình dự thảo về việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất phương án chỉ cho phép DN xuất khẩu khẩu trang y tế nếu đã bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trong tờ khai xuất khẩu. Đặc biệt, DN phải xuất trình văn bản công bố trúng thầu, hợp đồng với cơ sở y tế hoặc bản chính thỏa thuận hỗ trợ khẩu trang, ghi rõ số lượng.
Góp ý cho dự thảo tờ trình, Bộ Công Thương cho rằng quy định này trên thực tế có thể khó triển khai. Vì không phải DN nào cũng có thể ký được hợp đồng bán khẩu trang cho cơ sở y tế trong nước trong thời gian ngắn. Chưa kể trường hợp cơ sở y tế không có nhu cầu mua hoặc chỉ có thể mua được số lượng rất nhỏ. Nếu DN chọn giải pháp hỗ trợ để được xuất khẩu, tỉ lệ hỗ trợ 20% sản lượng sản xuất là quá cao.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị không hạn chế số lượng xuất khẩu nhưng trong hồ sơ DN phải có giấy cam kết sẵn sàng cung cấp (bán hoặc hỗ trợ) tối thiểu 10% năng lực sản xuất đã kê khai. Trường hợp yêu cầu chống dịch trong nước tăng cao, có thể hạn chế số lượng cấp phép hoặc dừng cấp phép.
Kiến nghị xuất khẩu khẩu trang y tế không phải xin giấy phép Ngày 27-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế - Bộ Y tế, cho biết: Bộ Y tế đang tiếp thu, giải trình và trình Chính phủ xem xét về xuất khẩu khẩu trang. Hiện Bộ Y tế đang dự thảo tờ trình theo hướng đề xuất bỏ Nghị quyết 20, không áp dụng chế độ cấp giấy phép nữa. Tức là DN xuất khẩu khẩu trang y tế sẽ không phải xin giấy phép nữa. “Nếu có hiện tượng thiếu khẩu trang y tế, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ áp dụng biện pháp cấp phép lại hoặc biện pháp phù hợp khác” - ông Hiếu cho hay. Lãnh đạo Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cho biết thêm cục ủng hộ xuất khẩu tự do vì mặt hàng này có tính thời điểm. Hiện năng lực sản xuất của các DN Việt Nam rất lớn, nếu để một, hai tháng nữa thì các nước khác đầu tư nhiều, cơ hội sẽ không còn nữa. Về nguyên liệu, Cục Công nghiệp cũng đã tìm được nguyên liệu thay thế cho nguyên liệu nhập từ Trung Quốc rồi. “Tạo điều kiện cho DN xuất khẩu khẩu trang y tế một cách nhanh chóng không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế vượt qua trong đại dịch này, mà còn có ý nghĩa trợ giúp chung trong công cuộc phòng, chống dịch. Nhờ vậy, vai trò và vị trí của Việt Nam cũng được nâng lên như một cơ sở sản xuất vật tư và trang thiết bị y tế khi một số DN trong nước đã tham gia sản xuất máy thở, bộ kit xét nghiệm... Nhân cơ hội này, mình nổi lên một ngành công nghiệp mới cũng rất quan trọng để thúc đẩy phát triển” - lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh. |