Sau lệnh “248, 249”, doanh nghiệp cấp tốc giữ chỗ để xuất khẩu sang Trung Quốc

Từ ngày 1-1-2022 việc xuất khẩu nông thủy sản làm thực phẩm sang thị trường Trung Quốc (TQ) sẽ có nhiều thay đổi.

PLO trao đổi với TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) để làm rõ về những thay đổi này.

DN khẩn trương đăng ký trước ngày 30-10

. PV: Thưa ông, sắp tới việc xuất khẩu nông thủy sản làm thực phẩm sang thị trường Trung Quốc sẽ có những thay đổi thế nào?

+ Ông Ngô Xuân Nam: Sắp tới doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông thủy sản làm thực phẩm của các quốc gia vào thị trường TQ, trong đó có Việt Nam (VN) sẽ phải đáp ứng biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu (Lệnh 249) và quy định quản lý, đăng ký DN sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào TQ (Lệnh 248) đã có thông báo từ tháng 5-2021. Hai lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.

TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT). Ảnh: AN HIỀN

Ngoài ra gần đây Văn phòng SPS Việt Nam cũng nhận được công hàm số 353 của Tổng cục Hải Quan TQ quy định về danh mục 18 sản phẩm nhập khẩu vào thị trường TQ, xác định rõ DN nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền giới thiệu đăng ký.

Danh mục này tách ra làm hai nhóm là thịt, sản phẩm thịt; sản phẩm thủy sản; sản phẩm sữa; tổ yến và sản phẩm tổ yến thì tiếp tục có hiệu lực. Tuy nhiên với VN chỉ có ba loại sản phẩm là thịt, sản phẩm thịt; sản phẩm thủy sản; sản phẩm sữa, còn tổ yến chúng ta chưa được TQ cho nhập khẩu.

Điều quan trọng thứ hai mà các DN phải chú ý là đối với các DN nước ngoài xuất khẩu lần đầu sang TQ thuộc bốn loại thực phẩm nói trên thì vẫn đăng ký bình thường theo hai lệnh trên của TQ. Với 14 mặt hàng còn lại, những DN đã xuất khẩu từ ngày 1-1-2017 đến nay phải khẩn trương đăng ký trước ngày 30-10-2021.

DN cần xác định rõ cơ quan đầu mối đăng ký

. Trước sự thay đổi này, các cơ quan chức năng, địa phương, DN cần phải làm như thế nào, thưa ông?

+ Ngay từ tháng 5-2021, Văn phòng SPS VN đã có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của VN và các địa phương để nghiên cứu, hướng dẫn DN xuất khẩu vào thị trường TQ đáp ứng các quy định này. Chúng tôi cũng có các bản tin SPS xuất bản hàng tháng gửi tới các cơ quan quản lý, một số DN, cơ quan truyền thông để phổ biến về hai lệnh này.

Gần đây, 26-10, chúng tôi đã phối hợp tổ chức diễn đàn để hướng dẫn chi tiết cho trên 500 DN về các thủ tục đăng ký DN.

Theo văn bản số 221/SPS-BNNVN ngày 21-10-2021 của Văn phòng SPS Việt Nam thì các DN gửi hồ sơ đăng ký về cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về ATTP quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ trước 26-10-2021.

Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về ATTP quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ gồm: Cục ATTP (Bộ Y tế), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Bộ NN&PTNT gồm Cục Bảo vệ thực vật đối với sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật; Cục Thú y đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn; Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đối với các sản phẩm thủy sản.

Các cơ quan này là đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận và kiểm tra DN (hồ sơ đăng ký), xác nhận DN đáp ứng yêu cầu đăng ký thì tiến hành thủ tục đăng ký với Tổng cục Hải quan TQ theo quy định nêu trên trước ngày 30-10-2021.

Đến nay, cơ quan có thẩm quyền của VN đang tổng hợp hồ sơ để đăng ký DN với Tổng cục Hải quan TQ.

Từ 1-1-2022, việc xuất khẩu nông thủy sản làm thực phẩm sang thị trường Trung Quốc sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh: AN HIỀN

DN chủ động nghiên cứu kỹ các quy định

. Để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường TQ có khó không thưa ông? Liệu rằng tới đây, việc xuất khẩu sang TQ có bị gián đoạn, có độ trễ nhất định trong quá trình đáp ứng các điều kiện của thị trường này hay không?

+ Để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường TQ thì các DN xuất khẩu phải tự xác định xem thuộc diện đã xuất khẩu sang TQ từ 1-1-2017 đến nay hay thuộc diện đăng ký mới. Nếu là DN đăng ký mới thì tự đăng ký trên website hệ thống một cửa của Tổng cục Hải quan TQ sau ngày 1-11-2021.

Nếu là DN xuất khẩu từ 1-1-2017 đến nay thì tiếp tục xác định mặt hàng kinh doanh thuộc 14/18 nhóm mặt hàng theo hướng dẫn tại công hàm 353 để làm thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo Nghị định 15/2018.

Nếu có sự phối hợp đồng bộ của các DN xuất khẩu và các cơ quan có liên quan thì tôi tin rằng việc đăng ký DN cũng như việc xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường TQ sẽ thuận lợi.

. Nếu không đáp ứng được các điều kiện mới này thì sẽ ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

+ Tôi cho rằng vấn đề không phải là chúng ta không đáp ứng được. Chúng tôi nhận định rằng nhiều DN VN hiện nay đủ khả năng đáp ứng các điều kiện đăng ký DN với các thị trường nhập khẩu chứ không chỉ riêng TQ. Tuy nhiên, còn một số ít DN chưa nắm rõ trình tự thủ tục, Văn phòng SPS VN đã hướng dẫn chi tiết để đáp ứng quy định.

DN cần rà soát quy trình quản lý để đáp ứng các yêu cầu của thị trường như hồ sơ DN, hồ sơ kỹ thuật, các quy định về quản lý chất lượng, nhật ký ghi chép... Các DN xuất khẩu cần sát sao vấn đề này, bởi TQ có thể kiểm tra thực địa, kiểm tra trực tuyến. Nếu không đáp ứng được yêu cầu, DN có thể bị gạch bỏ khỏi danh sách XK.

Việc đăng ký trước 1-11 giống như việc DN giữ chỗ để XK sang TQ. Thủ tục hồ sơ cũng đơn giản, chỉ cần đăng ký DN, tờ khai theo mẫu của công hàm 353, bản cam kết chất lượng. Nếu kịp thời hạn này, DN sẽ được giãn thời hạn hoàn thiện hồ sơ tới tháng 6-2023.

. Xin cảm ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm