Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Mọi người lo một thì chúng tôi lo mười!

Thưa Thống đốc, xin ông cho biết năm 2009 điểm nhấn quan trọng nhất trong điều hành chính sách là gì?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Có lẽ trong nhiều công việc mà ngành ngân hàng đã thực hiện năm qua thì hỗ trợ thông qua lãi suất là việc làm cần ghi nhận đầu tiên.

Ở thời điểm cuối năm 2007 - đầu năm 2008, khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, không loại trừ Việt Nam, thì chúng ta đã phải chuyển từ mục tiêu chống lạm phát sang ngay ngăn ngừa suy giảm kinh tế, đồng thời phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã xác định ngăn ngừa suy giảm là mục tiêu hàng đầu, sẽ phải sử dụng gói kích thích kinh tế, trong đó biện pháp hỗ trợ thông qua lãi suất là chủ đạo.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Mọi người lo một thì chúng tôi lo mười! ảnh 1

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu: "Khi triển khai hỗ trợ lãi suất, tôi lo lắm, vì thế giới chưa ai làm". Ảnh: Chinhphu.vn

Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/2008/NQ-CP thì nhiều phương án thực hiện đã được đưa ra.
Phương án đầu tiên là tập trung đầu tư vào một số công trình lớn để làm động lực kích cầu. Phương án thứ hai là chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (lúc đó, có ý kiến cho rằng sẽ có 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, 60% khó hoạt động và 20% còn lại là vươn lên được).

Trong tình hình khẩn cấp ấy, tôi có đề nghị giao cho bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng bộ trưởng Bộ Tài chính và thống đốc NHNN phối hợp xử lý việc này. Bởi vì, tôi cho rằng, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam rất mạnh. Trước đó, Thủ tướng có gặp riêng tôi trao đổi về kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và đặc biệt là việc phải xử lý nhanh gói kích thích kinh tế.
Ở thời điểm đó, mọi người đều lo cho ngành Ngân hàng trước những tác động của khủng hoảng tài chính thế giới. Lo là rất đúng vì nếu không có một đề án chặt chẽ, hoặc làm quá gấp, chỉ một chút sơ hở là có thể dẫn tới nguy cơ mất an toàn cả hệ thống và con người. Điều đó rất hệ trọng.

Chúng tôi cũng đã tính đến nhiều phương án để đối chiếu  với phương án của Chính phủ. Tôi cũng muốn tính hết mọi lẽ để thấy cái nào tối ưu thì chọn. Về việc này, tôi rất khen ngợi Vụ Chính sách tiền tệ, trong 2 đêm 2 ngày đã lên được phác thảo khung về hỗ trợ lãi suất. Nói thật là chúng tôi đã trăn trở rất nhiều trước khi đưa ra trình Chính phủ  xem xét, bởi xã hội lo một thì ngành ngân hàng chúng tôi lo mười.

Sau khi được các thành viên Chính phủ thông qua, anh em trong ngành tin cậy rất cao phương án cuối cùng là hỗ trợ doanh nghiệp. Ngày 23-1-2009 (tức là 28 Tết Kỷ Sửu 2009), phương án được Thủ tướng ký duyệt.

Có một điểm cần nói thêm, là trong khi làm Thông tư (hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 30), chúng tôi có đề xuất một chính sách lúc bấy giờ là tạo điều kiện cho hộ nghèo ăn tết, khoảng 1.700 tỉ đồng. Cần phải hiểu tình hình lúc đó, khi mà gia đình nào cũng mang tâm lý rất lo lắng, cho rằng nền kinh tế mất ổn định, thì giải pháp giúp tiền cho các hộ nghèo ăn tết là nhằm ổn định tâm lý cho người dân.

Tết năm 2009, chúng tôi không có ngày nghỉ. Chúng tôi đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn hỗ trợ lãi suất trong 2 ngày. Sau khi xong thông tư, chúng tôi bắt tay vào triển khai ngay.

Khi triển khai tôi lo lắm, vì thế giới chưa ai làm, hơn nữa lại kéo cả hệ thống ngân hàng tham gia. Và thật bất ngờ, khi tôi gặp một vài lãnh đạo ngân hàng nước ngoài, họ ủng hộ mạnh mẽ và cho rằng đây là chính sách tác động vào xã hội tốt nhất, kể cả về tâm lý lẫn về kinh tế.

Tuy nhiên, như Thủ tướng đã nói, uống thuốc thì phải đúng liều, nếu quá nhiều sẽ gây phản ứng phụ. Điều  quan trọng là khi xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất có tính tác động đến thị trường ngoại hối, sức ép tăng lãi suất thế nào không… Chúng tôi cũng đều phải cân nhắc, xem xét thận trọng những biến động của thị trường.

Gần đây một số ngân hàng cho rằng chính sách tiền tệ nên đi trước một bước hoặc là Thống đốc NHNN đưa ra thông điệp phải ổn định hơn?

Điều đó là chính đáng nhưng phải đặt trong một nền kinh tế ổn định. Tất cả các nhà kinh tế hàng đầu thế giới cũng như lãnh đạo các nước cũng chưa thể đưa ra  được thông điệp “dài hơi”. Ngay như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) suốt cả năm qua đưa ra thông điệp đâu phải là chuẩn.

Cuối năm 2007, đầu 2008, công tác dự báo của Việt Nam chưa  ổn, nhưng sau đó, theo tôi, đã dự báo rất tốt. Điều đó thể hiện qua việc ngày 15-9-2008 xảy ra đổ vỡ một số định chế tài chính của Mỹ, thì sau đó 1 tháng chúng ta công bố thẳng thắn là kinh tế Việt Nam có “4 giảm”: xuất khẩu giảm, FDI, kiều hối và khách du lịch giảm.

Nếu các nước khác úp mở vấn đề này thì Việt Nam công  bố sớm  theo tôi là dũng cảm. Khoảng ngày 20-11-2008 ta đã có dự thảo Nghị quyết 30. Đến 10-12 thì ban hành Nghị quyết 30. Công tác dự báo tốt nên ban hành chính sách là khá chuẩn và kịp thời. 

Có thể nói chính sách điều hành năm 2009 là phù hợp nhưng năm 2010 thì thế nào, Thống đốc có thể cho biết thêm về tính linh hoạt trong chính sách tiền tệ trong năm 2010?

Năm 2009, chính sách chung của thế giới là linh hoạt mở. Nhưng nhìn khía cạnh ngân hàng thì công cụ chính sách không phải muốn thay đổi là thay đổi.

Lãi suất mà NHNN đưa ra luôn linh hoạt nhưng chặt chẽ và được xem xét toàn diện. Theo tôi, lãi suất ở Việt Nam thời gian qua cơ bản là đúng vì nó còn chịu sức ép của hỗ trợ lãi suất, đồng thời giá vàng cũng tác động đến chính sách tiền tệ. Ta giữ nguyên lãi suất cơ bản 7%/năm trong 11 tháng, đến tháng 12-2009 mới nâng lên 8%/năm. Nếu nâng lãi suất cơ bản trước 1, 2 tháng thì sẽ có lợi cho hệ thống ngân hàng, huy động vốn được nhiều hơn nhưng lại ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô khác. Vì thế, chúng ta phải nhìn toàn cục, nhìn khía cạnh lợi ích này mà không nhìn lợi ích kia thì sẽ không ổn.

Về chính sách tỷ giá, nhiều lần tôi nói đây là một bài toán khó. Thực ra, chúng ta đang điều hành theo nguyên tắc linh hoạt, theo thị trường có sự quản lý của nhà nước, có kiểm soát. Nguyên tắc này không thay đổi. Các nước có hai chính sách tỷ giá một cách rõ rệt. Một là cố định, hai là thả nổi. Còn ta thì có quản lý theo cung-cầu.

Khi quyết định điều chỉnh tỷ giá, có người cũng nói với tôi là nên điều chỉnh sớm 1 tháng, nhưng bài toán này cần phải xem một cách toàn diện đến nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp, lạm phát nên điều chỉnh phải có tính toán.

Mỗi lần điều chỉnh chính sách thật sự là khó khăn cho ngành Ngân hàng và cả khó khăn cho Chính phủ. Do đó khi điều chỉnh chính sách gì cũng phải chặt chẽ, tính đến các lợi ích. Trong giai đoạn càng khó khăn, càng phải thận trọng hơn, vì nếu để "trật khớp" sẽ làm xã hội đảo lộn.

Về thị trường ngoại hối, theo đề án cũ, nếu giải quyết bài toán thị trường ngoại hối thì tốt nhất là cơ cấu hợp lý nền kinh tế (để tránh không thâm hụt cán cân thương mại). Tuy nhiên, nhìn chung thì tiềm lực của Việt Nam tương đối sáng sủa. Ví dụ năm 2010, xi măng dư thừa có thể xuất khẩu, phân bón đủ nên không nhập khẩu… hay như Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động tốt thì việc xuất ngoại tệ (để nhập khẩu dầu) sẽ thấp. Vì thế năm nay cần tiếp tục kêu gọi “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” , điều này sẽ hạn chế được nhập siêu rất lớn.

Hiện nay có tình trạng, ngân hàng duy trì 2 tỷ giá, 2 lãi suất, theo Thống đốc, vấn đề này xử lý như thế nào?

Lãi suất phải đặt trong quan hệ với thị trường. Thông thường, một ngân hàng phân ra 5, 6 nhóm khách hàng. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt, tài sản tốt, hợp đồng không có vấn đề, có tín nhiệm thì bao giờ cũng được vay nhiều hơn, dễ hơn. Còn nếu doanh nghiệp chỉ mới làm ăn, quy mô nhỏ, hợp đồng ít, chưa có sự tín nhiệm thì được vay ít với lãi suất cao hơn. Vì thế sẽ có loại cho vay lãi suất 8%, có loại 10%-12%...

Trong thị trường, ngân hàng lớn bao giờ cũng cho vay lãi suất thấp vì vốn dài hạn lớn. Ngân hàng nhỏ thì "bươn chải" cho vay xa, món nhỏ, chi phí (do đi lại) cao thì ắt phải cho vay lãi suất cao. Còn nếu nói các ngân hàng nhà nước, ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh “hai giá” là không có.

Đây cũng là thử thách đối với Thống đốc khi quản lý một hệ thống ngân hàng không đồng đều. Một ngân hàng có tài sản 400.000 tỉ đồng với một ngân hàng có tài sản 2.000 tỉ đồng hoạt động trong một khung quản lý như nhau không phải đơn giản. Phải là người trong cuộc mới thấy sự cố gắng của chúng tôi trong thời gian qua.

Chúng ta đã “vượt bão” năm 2009, nhưng nhiệm vụ trong năm 2010 được dự báo là rất nặng nề. Thống đốc đặt ra những mục tiêu cụ thể nào cho ngành ngân hàng trong năm nay?

Mục tiêu là góp phần tăng trưởng kinh tế 6,5%, kiểm soát lạm phát dưới 7%. Cụ thể đối với ngành là tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán khoảng 28%, tăng trưởng tín dụng khoảng 25%. Khi cung tiền ra phải thận trọng cân nhắc cả tác dụng phụ và tác dụng chính, là kích thích tăng trưởng hay lạm phát?

Thưa Thống đốc, năm 2010 ông có dự định gì cho nhiệm vụ của mình?

Tôi muốn hoàn thiện thể chế, khung pháp lý. Năm 2010, Thủ tướng đã giao ngành ngân hàng 5 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là phải tạo một khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh bằng cách ban hành luật và các thể chế. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc là cần nâng cao vai trò ngân hàng trung ương, việc quản lý của NHNN đối với toàn hệ thống ngân hàng phải chuẩn xác. Trong dài hạn phải hoàn thiện cải cách hành chính và công tác truyền thông để ngành ngân hàng luôn công khai, minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Còn trong ngành ngân hàng có 2 nhiệm vụ riêng là làm công tác truyền thông cho tốt và công tác dự báo. Hiện nay, NHNN cho phép 5 vụ chức năng mua thông tin từ ngân hàng các nước để giúp cho công tác dự báo. Qua đó, Thống đốc phải nghiên cứu, lựa chọn để phục vụ điều hành.

Xin cảm ơn Thống đốc.

Giang Oanh thực hiện (Chinhphu.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm