Ngày 3-1, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết lực lượng chức năng tại tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra và phát hiện 8 mẫu phân bón giả, không đảm bảo chất lượng.
Theo đó, vào đầu tháng 11-2021, Đoàn kiểm tra liên ngành 389/TG do lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang) làm Trưởng Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất đối với chín cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn các huyện Châu Thành và Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra lấy 15 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Đến nay, kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 8/15 mẫu vi phạm. Trong đó, 5 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và 3 mẫu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trị giá hàng hóa vi phạm hơn 360 triệu đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ảnh: DMS
“Trong 5 mẫu phân bón là hàng giả có ba mẫu có dấu hiệu tội phạm theo Điều 195 Bộ Luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 nên đã chuyển giao hồ sơ cho cơ quan Công an các huyện Châu Thành, Tân Phước để tiếp tục điều tra xử lý. Còn lại hai mẫu đã xử lý, thu phạt gần 46 triệu đồng” – lực lượng Quản lý thị trường cho biết.
Với ba mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng, lực lượng chức năng đã xử lý một mẫu, thu phạt hơn 21 triệu đồng. Hai mẫu còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Trong năm 2021, lực lượng QLTT trên cả nước cũng liên tục phát hiện các trường hợp kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Tại Lâm Đồng, lãnh đạo Cục QLTT Lâm Đồng cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến tháng 9-2021, địa phương này đã xử phạt hơn 1 tỉ đồng đối với các cơ sở kinh doanh về hành vi buôn bán phân bón giả, kém chất lượng hoặc không có giấy phép lưu hành. Trong đó, có 15 tấn phân bón giả, 43 tấn phân bón kém chất lượng buộc tái chế, hơn 16 tấn phân bón buộc tiêu hủy.
Phân bón giả, phân bón kém chất lượng được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ khiến mùa vụ thất thu mà có thể làm ô nhiễm nguồn nước, đất đai bạc màu.