Tranh chấp giải pháp bơm xi măng

Mới đây, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Sản xuất Phương Nga đã yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM xử lý vi phạm hành chính đối với hai công ty khác vì cho rằng hai công ty này đã xâm phạm quyền độc quyền về giải pháp hữu ích của mình.

Cái khó ló cái khôn

Lâu nay, khi muốn đưa xi măng từ nhà máy sản xuất đến các công trình xây dựng thì có thể dùng xe ôtô chuyên dùng vận chuyển xi măng (dạng như xe bồn). Muốn vận chuyển theo cách này thì ít nhất phải có đường sá để xe chở xi măng chạy đến được công trình.

Tuy nhiên, với nhiều công trình như xây cầu, xây cảng thì khó có đường bộ để xe đưa xi măng đến. Do đó, cách thông thường vẫn là bốc xếp xi măng đã được đóng thành bao loại 50 kg/bao lên xà lan và đi đường thủy để tiếp cận các công trình này. Khi đến nơi, công nhân lại phải vác từng bao xi măng đổ vào bồn chứa xi măng. Việc này gây mất sức, mất thời gian, bị hao hụt xi măng do rơi vãi trong quá trình trút xi măng ra khỏi bao, đồng thời việc trút xi măng cũng khiến bụi xi măng tung lên mịt mù!

Tranh chấp giải pháp bơm xi măng ảnh 1

Với sáng kiến mới, xi măng từ xà lan có thể chuyển lên công trình dễ dàng. (Ảnh do Công ty Phương Nga cung cấp)

Năm 2005, Công ty TNHH Phương Nga bắt đầu cung cấp xi măng cho công trình cầu Cần Thơ. Vấn đề khó khăn là không có đường bộ để xe bồn đưa xi măng đến bồn chứa của công trình. Nếu chở bằng xà lan thì cũng không hiệu quả. Do đó, Công ty Phương Nga đã phải mày mò tìm cách giải quyết và cuối cùng nghĩ ra cách lấy công nghệ của xe bồn sang áp dụng cho xà lan.

Được cấp bằng độc quyền

Tháng 5-2006, Công ty Phương Nga nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) xin được cấp bằng bảo hộ đối với giải pháp hữu ích của mình. Đây là “hệ thống chứa, bơm xi măng rời lên bờ từ phương tiện vận tải thủy bằng máy nén khí”... Hiểu nôm na, do xi măng có dạng hạt mịn và nhẹ nên Công ty Phương Nga dùng máy nén khí và các ống dẫn để tạo áp lực hút xi măng “chảy” trực tiếp từ nhà máy - theo ống dẫn này - xuống tàu và khi đến công trình thì có thể bơm ngược xi măng từ tàu - theo ống dẫn - ra bồn chứa xi măng của công trình.

Đến tháng 11-2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho Công ty Phương Nga, có giá trị độc quyền trong mười năm, đến năm 2016.

Ông Hoàng Anh Đức, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Phương Nga, cho biết mỗi xe bồn chỉ chở được 30 tấn xi măng trong khi một tàu có thể chở vài trăm tấn xi măng. Giải pháp bơm xi măng từ tàu lên bồn chứa không những tiết kiệm thời gian, công sức mà còn giúp không hao hụt xi măng và không phát tán bụi xi măng ra ngoài. Nhờ đó mà hoạt động cung cấp xi măng của công ty cũng hiệu quả hơn, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của các công trình lớn.

Một người làm, trăm người theo

Theo Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) thì sáng chế sẽ được bảo hộ độc quyền sáng chế nếu đáp ứng đủ ba điều kiện là có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Trong khi đó, ở cấp độ “nhẹ” hơn, một sáng chế có thể được bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và có tính mới, có khả năng áp dụng công nghiệp.

Ông Đức cũng cho biết chính vì cách thức trên hiệu quả nên ngay sau khi Phương Nga áp dụng giải pháp hữu ích này thì một số đơn vị cung cấp xi măng khác cũng bắt chước làm theo. Họ cho đóng tàu tương tự như tàu của Phương Nga và cũng dùng cách bơm xi măng, lấy xi măng bằng... không khí. “Như vậy là vi phạm sự độc quyền về giải pháp hữu ích của công ty chúng tôi”. Công ty Phương Nga đã có văn bản yêu cầu hai công ty khác ngưng hành vi vi phạm nhưng đến nay hai đơn vị này vẫn chưa ngưng.

Công ty Phương Nga cũng đã gửi đơn yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ xử lý hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Thanh tra Sở cho rằng muốn xử lý xâm phạm thì phải cung cấp chứng cứ chứng minh vi phạm, trong đó có tài liệu mô tả hệ thống chứa và bơm xi măng của bên vi phạm và so sánh hệ thống này với hệ thống được cấp bằng độc quyền.

Trong khi đó, Công ty Phương Nga cho biết chỉ có nước dùng “gián điệp kinh tế” thì may ra mới xâm nhập nội bộ của công ty kia mà lấy tài liệu mô tả chứ làm sao mà có được chứng cứ như Thanh tra Sở yêu cầu!

Do đó, hiện Công ty Phương Nga đang chuẩn bị hồ sơ để kiện ra tòa yêu cầu các đơn vị này chấm dứt hành vi vi phạm.

Một thẩm phán chuyên xử các tranh chấp về quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp cho biết từ trước đến nay, tại TP.HCM chưa có vụ xử nào liên quan đến sáng chế hay giải pháp hữu ích.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm