Ngày 16-4, Tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian?” diễn ra tại Trung tâm xúc tiến – thương mai và hội chợ triển lãm TP Cần Thơ do UBND TP Cần Thơ, Trung tâm xúc tiến – thương mai và hội chợ triển lãm phối hợp với Thời báo kinh tế Sài Gòn tổ chức.
Tọa đàm “Thị trường nào cho bánh dân gian?”. Ảnh CẨM GIANG
Bánh dân gian len lỏi từ miền quê sông nước đến hang cùng ngõ hẻm mọi đô thị, đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ người Việt ở Sài Gòn hay các tỉnh thành miền Tây. Là một phần của ẩm thực đường phố Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á khác với tên tiếng Anh là “street food”; là điểm đến của các tour tuyến du lịch ngoài phong cảnh và công trình văn hóa.
Theo ông Đoàn Hữu Đức – Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Cty Tư vấn Việt Nam cho biết: Vùng ĐBSCL có hàng trăm loại bánh dân gian, mỗi sắc dân cũng có vài chục loại bánh pha trộn với nhau qua nhiều thế kỷ: như người Hoa có bánh bao, bánh hẹ, bánh củ cải…; người Khmer có bánh dứa, bánh lá thốt nốt…; người Chăm bánh bông lan, bánh nếp ống tre,…; người Kinh có bánh chuối, bánh ú, bánh bò…
“Cứ mỗi lần tổ chức lễ hội cấp quốc gia về bánh dân gian Nam bộ, tại các hội thảo, chuyên gia vẫn băn khoăn: làm thế nào để duy trì và phát triển các loại bánh truyền thống vào các kênh hiện đại và đưa chúng đi xa khỏi biên giới Tổ quốc ra trường quốc tế? Một vị đại diện ban tổ chức lễ hội cấp quốc gia về bánh dân gian Nam bộ ước mơ sẽ có ngày bánh dân gian miền Tây vào được khách sạn 5 sao” – ông Đức chia sẻ.
Theo ông Đức, khó khăn lớn nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, khi đưa một thực đơn của ẩm thực đường phố vào khách sạn. Các vấn đề về truy xuất nguồn gốc, đến giấy chứng nhận kiểm định chất lượng, giấy phép kinh doanh, hay mã số thuế… đều là những thách thức lớn cho các nghệ nhân địa phương từ các làng nghề, các hộ kinh doanh cá thể. Vấn đề sâu xa hơn là cam kết cung ứng về sản lượng và chất lượng đều đặn.
Theo nghệ nhân Trương Thị Chiều, người nổi tiếng với thương hiệu bánh dân gian Cô Chín BÌNH THỦY: Mẹ chồng tôi làm bánh dân gian 45 năm và hiện nay tôi là người kế thừa. Là người trực tiếp làm và bán mỗi ngày, muốn đi xa hơn trong thị trường bánh dân gian, tôi nghĩ cần giữ được hồn quê, đồng tâm hiệp lực giữ hồn quê hương từ chiếc bánh.
Điều quan trọng là bánh làm bằng tay nhưng vẫn phải giữ được vệ sinh, hương vị truyền thống của chiếc bánh. Cuối cùng, nếu có tâm huyết và tình cảm thì chiếc bánh dân gian miền Nam sẽ ngày càng đi xa hơn.
Nghệ nhân Phan Kim Ngân (Bảy Muôn - áo tím) và nghệ nhân Trương Thị Chiều. Ảnh CẨM GIANG
Bánh dân gian đa dạng, phong phú về hình thức, thơm ngon, hấp dẫn, mang đậm bản sắc dân tộc, với những nét đặc trưng mang đầy tính sáng tạo của nhiều vùng miền. Với những đặc điểm riêng, bánh dân gian luôn thu hút khách hàng, đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước.
Nói như nghệ nhân Phan Kim Ngân (Bảy Muôn), người biết làm 50 loại bánh dân gian Nam bộ và đang phục vụ cho hàng trăm lượt du khách đến với Cồn Sơn mỗi ngày: “Tiệm bánh của tôi được khách ưu ái yêu thích vì chiếc bánh đậm đà, mang đúng hương vị ngày xưa. Khách nhắn nhủ hãy luôn cố gắng giữ nguyên chất liệu và hương vị này.
Đó là lý do tôi quyết định mở Phiên chợ bánh dân gian Cồn Sơn để chia sẻ cùng các chị em. Tôi mong muốn địa phương hỗ trợ thêm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tìm đầu ra và hỗ trợ quảng bá”, nghệ nhân Bảy Muôn nói.
Theo bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Co.opmart Cần Thơ, về đầu ra cho bánh dân gian, thời gian qua Co.opmart Cần Thơ đã và đang kinh doanh một số loại bánh dân gian Nam bộ đặc trưng như bánh chuối, bánh mặn, bánh bò, bánh da lợn, bánh bột báng, bánh gai, xôi, chè các loại…Từ những nguyên vật liệu chất lượng của các nhà sản xuất uy tín, với quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đã thu hút được lượng khách hàng nhất định, vốn rất hài lòng và yêu thích các loại bánh truyền thống.
Ông Nguyễn Minh Toại – Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ: “Bánh dân gian tại thị trường nội địa đã được công nhận và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng nhưng để đưa ra nước ngoài được thì còn nhiều vấn đề như thời gian bảo quản ngắn, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo, chất lượng bánh còn chưa đáp ứng được yêu cầu của khách nước ngoài,…
Bánh dân gian chúng ta chỉ có thể đi được tất cả các thị trường trên thế giới với điều kiện phải có nguyên liệu và con người của chúng ta chứ không thể cho chất bảo quản vào để bảo quản được lâu mà đem đi, như vậy sẽ không còn là bánh dân gian nữa…”
Cũng theo ông Nguyễn Minh Toại, để trả lời cho câu hỏi thị trường tương lai nào cho bánh dân gian, thì đó chính là thị trường quốc tế, khi bánh dân gian cần được xuất khẩu cả “hồn” lẫn “xác”.
Để làm được điều này, không chỉ là sự nghiêm túc của các nghệ nhân với đạo đức nghề nghiệp khi làm nên chiếc bánh ngon và an toàn, cần bao bì thân thiện với môi sinh, cần không gian và bối cảnh tương hỗ của các kênh phân phối, mà còn cần đến cả kênh truyền thông tiếp thị và kênh du lịch điểm đến.
Do nhiều loại bánh dân gian được chế biến từ nguyên liệu tươi, thủ công, không sử dụng chất bảo quản, bao bì tạm… nên việc tiêu thụ các sản phẩm này bị thu hẹp ở thị trường nhỏ lẻ, ngắn ngày, chứ chưa vào được nhiều trong hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu. Từ đó, cuộc sống của hộ dân và nghệ nhân chuyên làm bánh dân gian thường bấp bênh; không ít sản phẩm sẽ mai một trước thị trường bánh công nghiệp ngon, tinh xảo, tiện lợi ngày càng được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Vì vậy, cần sớm có giải pháp cụ thể để tìm lối đi cho thị trường bánh dân gian Nam Bộ. |