Chloé chia sẻ những bí kíp riêng để cô vừa vượt qua được các năm học căng thẳng của ngành y vừa kiếm được tiền, mặc dù cô không còn thời gian giải trí.
Sau khi đỗ tú tài, Chloé ghi danh vào trường y với quyết tâm phải vượt qua được giai đoạn 1 tuyển chọn gắt gao thì mới có thể đi tiếp. Trở ngại này luôn là nỗi ám ảnh của đa số sinh viên.
Nỗ lực tột bậc và cầu thị
Chloé nói về giai đoạn 1 tại trường y: “Quá nhiều công việc, đầu óc muốn nổ tung. Phải học và học thuộc lòng đến mức tối đa có thể để trở thành người giỏi nhất. Tôi giam mình trong phòng riêng, chúi mũi vào những quyển sách lý, hóa, sinh học tế bào, hóa sinh, giải phẫu...”. Cuối cùng cô đã đứng thứ 51 trên khoảng 2.000 thí sinh và trường lấy chỉ tiêu là 336 sinh viên cho giai đoạn 2. Thế là xong, giai đoạn 1 đã ổn!
Năm thứ hai của Chloé bắt đầu bằng một đợt thực tập ba tuần về điều dưỡng. Cô đã tự tay thực hành các thao tác lấy máu, đặt “xông” (sonde, ống thông, đặt catheter), tiêm thuốc... với sự chỉ dẫn của các điều dưỡng. Tiếp theo đó là những buổi học mang tính chuyên ngành y hơn, như các bài giảng về triệu chứng học được ứng dụng để khám lâm sàng. Năm thứ hai học vẫn nặng nhưng phần nào đã giảm bớt áp lực.
Bước sang năm ba thì sáng nào cũng đi bệnh viện với ba chuyên khoa cho một học kỳ, đó là tim-phổi, thần kinh và một chuyên khoa tự chọn. Chloé gặp may khi được tận mắt quan sát và học hỏi được nhiều điều, bởi “nhà trường đã gửi chúng tôi đến các bệnh viện ở ngoại ô, nơi mà các bác sĩ có nhiều thời gian rảnh để theo sát các sinh viên thực tập hơn”.
Sinh viên cũng có thể gặp một số vấn đề trong năm thứ ba, chẳng hạn thực tập về triệu chứng học ở khoa máu - ung thư nhi.
Lên đến năm tư, Chloé có thể tự xem mình như một bác sĩ tập sự. Cô cảm thấy mình độc lập hơn và chuyên nghiệp hơn, với chương trình đào tạo bác sĩ ngoại trú (externat) và lại có được tiền thù lao nữa: “Chúng tôi được trả khoảng 100 euro mỗi tháng cho công việc tại bệnh viện vào buổi sáng. Và cũng như mọi nhân viên đi làm, chúng tôi có năm tuần nghỉ ăn lương mỗi năm. Một điều đặc biệt mới mẻ đó là chúng tôi phải trực cấp cứu hoặc hồi sức tại bệnh viện từ 12 đến 24 tiếng. Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ những ca trực đó, nhất là quan sát và thực tập được nhiều thao tác nghiệp vụ quan trọng. Nếu như khi trực cấp cứu, các ca mổ phải kéo dài thì chúng tôi cũng không được về đúng giờ mà phải ở lại nhưng sẽ không được trả tiền làm thêm giờ. Nhưng chúng tôi luôn vui vẻ ở lại trực thêm để học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu”.
Cần có “quỹ dự trữ”
Chloé đến Paris học ngành y và thuê một phòng trọ gần trường: “Bố mẹ tôi sống gần Melun (cách thủ đô hơn 40 km về phía đông-nam). Sau khi tôi đậu tú tài, bố mẹ thuê cho tôi căn phòng này để tiện việc đi học tại thủ đô, để tôi không phải mất hơn hai tiếng di chuyển mỗi ngày từ nhà đến trường”. Và cô sinh viên trẻ này đã tự học cách xoay sở tất cả trong cuộc sống mới, song: “Sống một mình không phải lúc nào cũng dễ... Lúc đầu, cứ cuối tuần là tôi quay về nhà bố mẹ với một giỏ quần áo dơ và những hộp đựng thức ăn trống rỗng. Rồi đầu tuần sau tôi quày quả quay lại thủ đô với giỏ quần áo sạch và các hộp thức ăn đầy ắp. Nhưng giờ đây tôi ít về nhà hơn. Dần dần tôi biết cách sống một cách độc lập”.
Phòng trọ của Chloé có giá thuê 520 euro/tháng nhưng nhờ vào khoản trợ cấp nhà ở cho sinh viên xa nhà (CAF) của chính phủ, cô chỉ phải trả 330 euro/tháng. Mặt khác, Chloé cũng phải chi khoảng 40 euro/tháng cho việc ăn uống và 15-20 euro/tuần cho việc vui chơi giải trí. Song để có thể theo học ngành y, tốt nhất là phải có “quỹ dự trữ”. “Trong năm nhất, tôi không đi làm thêm và tôi khuyên bạn không nên đi làm thêm nếu không thật sự cần thiết vì việc học quá nặng. Sang năm thứ hai, tôi nhận làm công việc trông trẻ nhưng sau đó vì các hoạt động ngoại khóa ở trường nhiều nên tôi không đi làm nữa. Cho đến năm tư, bạn cũng có thể nhận những công việc lặt vặt khi nghỉ hè. Sau đó sẽ khó khăn hơn vì chúng tôi cũng có cùng thời gian nghỉ như các nhân viên hưởng lương. Ngược lại, ở những năm học cuối, chúng tôi cũng đã có tiền khi đi thực tập và khi trực bệnh viện. Nhưng bố mẹ tôi cũng thường xuyên hỗ trợ kinh phí cho tôi an tâm học tốt”.
Ngoài ra, cô cho biết các sinh viên y cũng tìm ra được nhiều mẹo vặt để có thêm tiền như phụ việc cho các y tá, điều dưỡng (được trả khoảng 100 euro) hoặc phụ mổ chẳng hạn nếu được các bác sĩ tin tưởng.
TƯỜNG NGUYỄN tổng hợp
Ba giai đoạn của chuyên ngành y tại Pháp Y khoa là một trong những ngành học đại học kéo dài nhất. Quá trình học gồm ba giai đoạn, kéo dài từ chín năm (đa khoa) đến 11 năm (chuyên khoa) tại các trường đại học có khoa đào tạo y hoặc có liên kết với các trung tâm đào tạo y học (CHU). Giai đoạn 1 - kéo dài hai năm, cuối năm thứ nhất là một kỳ thi tuyển rất gắt gao (tỉ lệ chọi có thể là 1/10) để chọn ra các sinh viên vào học tiếp năm thứ hai. Giai đoạn 2 - kéo dài bốn năm, trong đó ba năm cuối giai đoạn 2 được gọi là đào tạo bác sĩ ngoại trú. Sau đó sinh viên phải trải qua một kỳ thi để vào giai đoạn 3. Giai đoạn 3 - thường được gọi là nội trú. Nội trú đa khoa kéo dài ba năm, nội trú chuyên khoa kéo dài bốn năm hoặc lâu hơn. Cuối khóa sinh viên phải bảo vệ luận án và được cấp bằng. |