Kỳ họp 11 QH khóa XIII: Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn

Sáng 21-3, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 (Quốc hội khóa XIII) Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.

Tổng thu không đủ cho chi thường xuyên và trả nợ

Theo báo cáo này, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm đều vượt dự toán Quốc hội đề ra. Thế nhưng tổng chi NSNN giai đoạn 2011-2015 bằng khoảng hai lần so với giai đoạn 2006-2010, trong đó chi trả nợ bằng khoảng 1,83 lần, chi thường xuyên bằng khoảng 2,53 lần. Đáng chú ý, chi thường xuyên chiếm khoảng 64%-65% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong năm năm qua, tổng thu NSNN chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, tỉ lệ chi đầu tư tiếp tục giảm sút từ 28% giai đoạn trước giảm xuống 23,4% giai đoạn 2011-2015 trong khi đó chi thường xuyên tăng nhanh. Bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Tỉ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và năm năm 2011-2015, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ hiện nay lớn. Trong khi đó, kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng sử dụng không hiệu quả. Cùng đó, nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa mang lại hiệu quả.

Ông Giàu cũng cho hay nhiều ý kiến nhận định dù nền kinh tế phục hồi nhưng doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn thì việc giảm nợ xấu khó bền vững, lãi suất cho vay còn cao so với diễn biến lạm phát.

Trên tinh thần đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung chỉ đạo giải quyết cơ bản những bất cập để tạo chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, cải cách hành chính, cải cách khu vực sự nghiệp công. Chính phủ cũng chỉ đạo tinh giản biên chế, giảm nợ xấu, giảm bội chi ngân sách, chọn lựa thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện cán cân thương mại, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng sử dụng không hiệu quả”. Ảnh: QH

Phải nhanh có phương án đối phó với hạn mặn

Trước diễn biến phức tạp của nạn hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay, Quốc hội yêu cầu Chính phủ sớm xây dựng chương trình, các đề án xử lý, khắc phục tình trạng khô hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và tình trạng xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Những giải pháp đưa ra phải chuyển biến rõ rệt ngay trong năm 2016.

 

Bên cạnh đó, cần tập trung xử lý tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM. Rà soát lại các trạm thu phí giao thông đường bộ để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá thực chất đội ngũ cán bộ, công chức, cương quyết loại bỏ những người gây cản trở, trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Đổi mới công tác tuyển dụng, sa thải, cho nghỉ việc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, bảo đảm cạnh tranh, dân chủ, công khai, minh bạch; tinh giản bộ máy, cán bộ, công chức gắn với đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với tăng năng suất lao động.

Đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người là 3.200-3.500 USD

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP năm 2015 đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD. Trong khi đó, bình quân cả năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,63% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Lạm phát cơ bản tăng 2,05% so với năm trước.

Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm đạt 6,5%-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD. Bội chi NSNN còn khoảng 4% GDP.

___________________________________

NSNN hiện nay đang tạo ra áp lực lớn trong điều hành tài chính, khi thu không đủ cho chi thường xuyên và trả nợ. Trong đó nguyên nhân từ việc kỷ luật sử dụng ngân sách chưa nghiêm, số quyết toán chi thường xuyên thường cao hơn dự toán. Do đó, tới đây để lành mạnh hóa NSNN thì cần tái cơ cấu để giảm chi thường xuyên mà không ảnh hưởng đến đời sống; đó là tinh giản biên chế, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp thành doanh nghiệp công ích, trả lại cho thị trường, giảm bộ máy công chức. Các địa phương phải chịu trách nhiệm về thu chi ngân sách, tự chủ ngân sách.

Ông BÙI ĐỨC THỤ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm