Kỳ họp Đại Hội đồng LHQ khai mạc, bàn loạt điểm nóng an ninh

(PLO)- Đại Hội đồng LHQ bắt đầu kỳ họp, các vấn đề an ninh như xung đột Nga-Ukraine, đảo chính chiếm sóng trong ngày khai mạc. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-9, kỳ họp thứ 78 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) chính thức khai mạc ở TP New York (sẽ kéo dài tới ngày 30-9), với sự tham dự từ 143 đại diện chính phủ các nước, theo đài CBS News.

4/5 thành viên thường trực (gồm Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) không có nguyên thủ dự mà chỉ cử đại diện. Cụ thể, đại diện từ Trung Quốc là Phó Chủ tịch Hàn Chính, phái đoàn Anh cử Phó Thủ tướng Oliver Dowden, Pháp cử Ngoại trưởng Catherine Colonna, Nga cử Ngoại trưởng Sergey Lavrov.

Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng LHQ là tâm điểm của ngoại giao đa phương ở cấp độ và tần suất hoạt động cao nhất. Sự kiện năm nay được kỳ vọng là cơ hội để các nước tái khẳng định sự đoàn kết quốc tế, cam kết đối với chủ nghĩa đa phương với LHQ là trung tâm.

Chủ đề bao trùm của khóa họp là “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”.

a.jpeg
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky phát biểu tại phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19-9. Ảnh: REUTERS

Phiên khai mạc ngày 19-9 nóng với loạt vấn đề an ninh hiện nay như xung đột Nga-Ukraine, đảo chính, ...

Ông Biden, ông Zelensky kêu gọi ủng hộ Ukraine

Phát biểu tại phiên khai mạc ngày 19-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã vi phạm Hiến chương LHQ, đặc biệt nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước.

Ông Biden nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh của Washington sẽ sát cánh cùng Ukraine, kêu gọi các lãnh đạo thế giới cùng làm tương tự, theo hãng tin Reuters.

a-8349-6873.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19-9. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cũng có mặt tại phiên khai mạc kỳ họp Đại Hội đồng LHQ ngày 19-9. Trong bài phát biểu, ông Zelensky kêu gọi sự đoàn kết ủng hộ từ các lãnh đạo thế giới giúp Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

Ông Zelensky nhấn mạnh rằng xung đột Nga-Ukraine phải chấm dứt để thế giới có thể tập trung giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách, như khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ với hàng loạt thảm họa thiên nhiên, chẳng hạn trận động đất gần đây ở Moroco và lũ lụt ở Libya.

“Chúng ta phải đoàn kết hành động để đẩy lùi Nga và tập trung toàn bộ khả năng cũng như sức lực của mình vào việc giải quyết những thách thức này” - ông nói.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng chỉ trích gay gắt Nga, cáo buộc Nga thao túng thị trường thực phẩm toàn cầu để tìm kiếm sự công nhận quốc tế về quyền sở hữu các lãnh thổ mà Moscow giành từ tay Kiev.

Phía Nga chưa lên tiếng.

Iran lên tiếng về thỏa thuận hạt nhân

Tại phiên khai mạc ngày 19-9, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói rằng Mỹ nên thể hiện “thiện chí và quyết tâm” trong việc khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran 2015, trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp kéo dài nhiều tháng giữa hai bên vẫn đi vào ngõ cụt.

"Với việc rời khỏi thỏa thuận hạt nhân, Mỹ đã vi phạm thỏa thuận và nguyên tắc thiện chí. Mỹ nên thể hiện thiện chí và quyết tâm của mình" - ông Raisi nêu ý kiến.

a.jpeg
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 78 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19-9. Ảnh: REUTERS

Hồi năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vì cho rằng thỏa thuận này quá “hào phóng” với Tehran, đồng thời khôi phục các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ đối với Iran. Theo Reuters, các lệnh trừng phạt khiến chính phủ Iran từng bước vi phạm các giới hạn hạt nhân nêu trong thỏa thuận.

Sau khi nhậm chức vào năm 2021, Tổng thống Biden đã cố gắng đàm phán để khôi phục thoả thuận, theo đó Iran đã hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy sự nới lỏng khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ, Liên minh châu Âu và LHQ.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ kể từ tháng 9 năm ngoái khi cả hai bên cáo buộc nhau đòi hỏi những nhượng bộ quá mức. Các quan chức Mỹ và châu Âu đang tìm cách hạn chế các hoạt động hạt nhân của Tehran kể từ khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran đổ vỡ cách đây một năm.

Brazil cảnh báo nguy cơ đảo chính ở Guatemala

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp của Đại Hội đồng LHQ, Tổng thống Brazil - ông Luiz Inacio Lula da Silva cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới về nguy cơ đảo chính ở Guatemala, lặp lại những lo ngại của Mỹ về rủi ro đối với nền dân chủ ở quốc gia Trung Mỹ này sau cuộc bầu cử tháng trước.

“Có nguy cơ xảy ra đảo chính ở Guatemala. Điều này sẽ cản trở lễ nhậm chức của người chiến thắng trong cuộc bầu cử dân chủ ở nước này” - ông nói.

a.png
Tổng thống Brazil - ông Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 78 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19-9. Ảnh: REUTERS

Tuần trước, văn phòng công tố viên hàng đầu ở Guatemala đã đột kích các cơ sở bầu cử và mở các lá phiếu được niêm phong từ cuộc bầu cử, trong đó Tổng thống đắc cử Bernardo Arevalo và đảng Semilla của ông chiếm ưu thế áp đảo. Tuy nhiên, các công tố viên cáo buộc có “sự bất thường” trong việc đăng ký thành viên đảng Semilla trước cuộc bỏ phiếu, điều mà đảng này đã phủ nhận.

Ngày 18-9, Đại sứ Mỹ tại Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ Francisco Mora đã kêu gọi chính quyền Guatemala đương nhiệm chấm dứt “các nỗ lực đe dọa” nhắm vào các quan chức bầu cử và các đảng viên Semilla. Ông Mora gọi cuộc đột kích của các công tố viên là "một cuộc tấn công vào luật pháp".

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Đại Hội đồng LHQ ngày 19-9, Tổng thống Guatemala - ông Alejandro Giammattei đã chỉ trích "sự can thiệp không cần thiết của nước ngoài" vào quá trình bầu cử của nước ông, đồng thời lặp lại cam kết chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới.

"Trái ngược với sự thiếu trung thực mà chúng ta đã nghe trong hôm nay, tôi sẽ trao lại quyền lực cho người được bầu theo ý nguyện của đa số người dân Guatemala vào ngày 14-1, khi nhiệm kỳ của tôi kết thúc" - ông Giammattei nói.

Ở một khía cạnh khác, Tổng thống Brazil cho biết chính phủ của ông sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba. Ông cũng kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc chiến ở Ukraine thông qua đối thoại.

Ông Lula chỉ trích việc Hội đồng Bảo an LHQ để cuộc xung đột ở Ukraine tiếp diễn và việc các thể chế đa phương đã không thúc đẩy hòa bình toàn cầu và giảm nghèo. Vị tổng thống Brazil cũng chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế vì không đại diện cho các nước nghèo, và Tổ chức Thương mại Thế giới đã không ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm