Kỳ họp HĐND Hà Nội mới: Đột phá vẫn là cải cách hành chính

Hôm qua (2-8), HĐND TP Hà Nội đã họp thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế-xã hội, dự toán thu chi ngân sách trong nửa năm còn lại và thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội mới.

Có trên 100.000 biên chế

Theo nghị quyết của HĐND thì UBND TP Hà Nội mới sẽ có 20 sở và cơ quan tương đương, nhiều hơn trước một đơn vị. đó là Ban Dân tộc. Theo đó, Hà Nội mới sẽ có trên 100.000 biên chế hành chính và sự nghiệp.

Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết: “Với đặc thù riêng của Hà Nội mới, phương án sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP sẽ là sự hợp nhất, sát nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội (cũ) và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Hà Tây (cũ)”. Cũng theo ông Khanh, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các quận, huyện vẫn giữ nguyên tổ chức như hiện nay.

Về tổ chức bộ máy hành chính của Hà Nội mới, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thu góp ý: Cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm đầu mối quản lý hành chính, chuyển dần sang các đơn vị sự nghiệp tự trang trải để giảm biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước. “Cần thực hiện phân cấp trong tuyển dụng và quản lý biên chế” - bà Thu nói.

Chính quyền TP tiếp tục xác định cải cách hành chính vẫn là khâu đột phá, trong đó sẽ rà soát, xử lý đảm bảo tính thống nhất trong phân cấp quản lý, đổi mới phương thức quản lý, điều hành. TP cũng xác định nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra và thanh tra công vụ, xử lý kịp thời các vi phạm, đồng thời giải quyết kịp thời khiếu tố, khiếu nại của người dân ngay từ cấp cơ sở.

Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN

Quy hoạch phải đi trước

Trong buổi làm việc hôm qua, các đại biểu HĐND TP đã thống nhất nhiều nội dung về tình hình kinh tế-xã hội trong những tháng còn lại của năm 2008. Đó là Hà Nội cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương để xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch về kinh tế-xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch vùng thủ đô. TP phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong điều kiện thủ đô mở rộng, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý đô thị, nhất là trong hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, kiến trúc.

Bên cạnh đó, TP cần rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án phát triển đô thị, khu dân cư, dự án hạ tầng giao thông và các dự án khác trong phạm vi mở rộng địa giới thủ đô để thực hiện theo quy hoạch. Đặc biệt, TP cần có chế tài cụ thể để quản lý, kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của TP. Nhiều ý kiến cho rằng TP cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, tăng cường quản lý nông thôn. Cùng với đó, TP tập trung triển khai các dự án trọng điểm, các dự án hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn, công trình phục vụ dân sinh bức xúc, khẩn trương cấp điện cho những xã chưa có điện trên địa bàn.

Lãnh đạo UBND TP cũng cho biết TP sẽ chăm lo, giải quyết kịp thời các chính sách xã hội, nhất là đối với các gia đình chính sách, người nghèo, người dân ở vùng xa mới hợp nhất vào Hà Nội; giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc mới phát sinh, nhất là trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và người dân bị thu hồi đất.

Để đảm bảo điều kiện xây dựng thủ đô, UBND TP kiến nghị Quốc hội và Chính phủ có các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thủ đô trong các lĩnh vực quản lý dân cư, quản lý đô thị và đất đai, tỷ lệ điều tiết ngân sách, các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Đích mới của Hà Nội mới

GDP tăng 12%

Thu nhập bình quân đầu người: 1.500 USD

Tốc độ đầu tư xã hội tăng: 18%-19%

Kim ngạch xuất khẩu tăng: 22%-23%

Thu ngân sách vượt 5% dự toán, đạt trên 62 ngàn tỷ đồng

Giải quyết việc làm mới cho 122.000 người

Tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%

(Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội mới trong kỳ họp đầu tiên)

HOÀNG VÂN - THÁI SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới