Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Các chuyến thăm diễn ra từ ngày 30-9 đến ngày 7-10.
Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ Ngoại giao vào ngày 17-11-1954. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, Việt Nam và Mông Cổ luôn phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực và ngày càng được củng cố, phát triển thông qua các chuyến thăm và làm việc thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hai nước cũng đã thiết lập được cơ chế Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Mông Cổ và đã tổ chức được 18 kỳ họp từ năm 1979 đến nay (Kỳ họp thứ 19 sẽ diễn ra cuối năm nay, tại Việt Nam), đề ra nhiều phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật….
Theo đó hai bên đã ký kết hàng loạt các hiệp định, bản ghi nhớ tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác. Gần đây nhất có Bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế, thương mại năm 2021, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022, bản ghi nhớ về hợp tác về thương mại gạo bền vững năm 2023… Đặc biệt trong chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ đến Việt Nam năm 2023, hai nước đã ký Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa nhân dân hai nước.
Kim ngạch thương mại song phương đã được tăng gấp 2,3 lần trong thời gian qua từ 41,4 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023.
Việt Nam và Ireland thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-4-1996. Hợp tác, kinh tế, thương mại, đầu tư của hai bên trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 3,5 tỉ USD, với giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ireland đạt hơn 340 triệu USD. Ireland hiện có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 44,32 triệu USD, đứng thứ 61/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Hai nước đang thực hiện một số dự án lớn như hợp tác giữa tập đoàn Phú Cường, công ty Mainstream Renewable Power và công ty General Electric Việt Nam về dự án điện gió công suất 800 MW tại Sóc Trăng, trị giá 2 tỉ USD; hợp tác giữa công ty Thái Bình Dương và công ty Mainstream Renewable Power về các dự án điện gió tại Bình Thuận; hợp tác giữa tập đoàn FPT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tập đoàn Escher về dự án “Thiết kế, cung cấp và triển khai hệ thống phần mềm bưu chính MPITS”, trị giá 10 triệu USD...
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12-4-1973. Hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013.
Pháp là đối tác thương mại hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,8 tỉ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 3,17 tỉ USD.
Pháp đứng thứ 16/143 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 674 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,81 tỉ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất - phân phối điện khí nước điều hòa.
Ngoài ra, Pháp còn là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á.
Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 diễn ra trong hai ngày 4 và 5-10 tại hai TP của Pháp là Villers-Cotterêts và Paris. Chủ đề của hội nghị lần này là "Sáng tạo, Đổi mới và Thực hiện".