Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc chuyến công tác tại Mỹ, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 và làm việc tại Mỹ.
Trả lời báo chí, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công tốt đẹp, đạt được ở mức cao tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với gần 50 hoạt động song phương và đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Đưa đến thế giới thông điệp về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình
Theo ông Bùi Thanh Sơn, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai và Đại hội đồng Liên hợp quốc thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các nước thành viên với hơn 155 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ. Đây cũng là chuyến công tác diễn ra một năm sau khi Việt Nam và Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và hai nước chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong bối cảnh đó, chuyến công tác đã đạt một số kết quả nổi bật. Cụ thể, đây là chuyến công tác đối ngoại đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự trực tiếp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Thông qua các phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chúng ta đã chuyển tải được thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng ở cấp cao nhất về đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, thể hiện khát vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thể hiện sự coi trọng và ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; đồng thời, chia sẻ những nhận định, và cùng các nước đề ra các định hướng chính sách quan trọng nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
Việt Nam cũng đã tiếp tục thể hiện, khắc họa một hình ảnh Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, năng động, đổi mới, đáng tin cậy và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; một đất nước trên đà phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ, mong muốn đóng góp hơn nữa vào các công việc chung vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên toàn cầu.
“Tất cả những điều này tiếp tục giúp khẳng định vai trò, vị thế và uy tín ngày càng tăng của Việt Nam - quốc gia đang bước vào kỷ nguyên vươn mình trên trường quốc tế” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.
Một kết quả khác, theo ông Sơn, Việt Nam đã thành công trong việc tận dụng tối đa chuyến công tác để thúc đẩy quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có hàng chục hoạt động tiếp xúc với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.
Tại các cuộc gặp, các đối tác đều thể hiện coi trọng vị thế, vai trò và tiếng nói ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế, thống nhất thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực hợp tác truyền thống cũng như mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh, công nghệ số.
Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có 27 hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với các quan chức, cựu quan chức Chính quyền, Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp, bạn bè, chuyên gia, học giả, sinh viên và kiều bào Việt Nam tại Mỹ.
Các bài phát biểu chính sách tại Đại học Columbia, tại sự kiện kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước được đông đảo người nghe ghi nhận và đánh giá cao những thông điệp quan trọng định hướng phát triển của Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ.
Thông qua các hoạt động, chúng ta tiếp tục thúc đẩy phía Mỹ duy trì cam kết đối với các ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong triển khai khuôn khổ quan hệ mới bao gồm vấn đề kinh tế thị trường, thúc đẩy đột phá trong các lĩnh vực mới như AI, bán dẫn, đào tạo nhân lực chất lượng cao, an ninh mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh…
Thông qua việc thu xếp chương trình, lễ tân, có thể thấy Mỹ rất coi trọng chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, với sự tiếp đón trọng thị, nhất là việc thu xếp trang trọng cuộc hội đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
“Điều này cho thấy Mỹ thực sự tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam, tôn trọng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ” – ông Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Nhân dịp này, các đối tác, doanh nghiệp hai nước cũng đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ trên các lĩnh vực quan trọng, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hợp tác đầu tư, thương mại trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch.
Đẩy mạnh hợp tác, thu hẹp những khác biệt
Chia sẻ về phương hướng triển khai những kết quả của chuyến công tác, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho hay thời gian tới cần tập trung vào một số ưu tiên cụ thể.
Theo đó, với Liên hợp quốc, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả vào các hoạt động của Liên hợp quốc và diễn đàn đa phương; thể hiện vai trò, bản sắc riêng, thông qua những cam kết cụ thể, sáng kiến thiết thực và đóng góp tương xứng với vai trò, vị thế của ta.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để tiếp tục củng cố vững chắc cục diện đối ngoại ổn định, thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như thể hiện nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trên cả ba trụ cột: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Việt Nam cũng cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế và các đối tác quan trọng về nguồn lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực, chuyển đổi xanh, chuyển đối số góp phần phát triển đất nước, cũng như về bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định.
Với Mỹ, chuyến công tác góp phần tạo cơ sở vững chắc để các bộ, ngành địa phương thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mang tầm chiến lược, mang tính đột phá, thực chất, cùng có lợi. Theo đó, thời gian tới, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh sáu lĩnh vực.
Thứ nhất, tiếp tục củng cố tin cậy chính trị thông qua các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn ở các kênh, các cấp, đặc biệt là cấp cao.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, lĩnh vực trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên.
Thứ ba, đưa hợp tác khoa học-công nghệ, lĩnh vực có tính đột phá của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, lên tầm cao mới, trong đó ưu tiên tìm kiếm đột phá trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi xanh; đi cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã có về hợp tác quốc phòng-an ninh, trong đó tiếp tục coi khắc phục hậu quả chiến tranh là ưu tiên cao, tập trung tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn tại các điểm nóng, hỗ trợ người khuyết tật, tìm kiếm, quy tập và định danh hài cốt liệt sỹ Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác đầy đủ với Mỹ trong việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Thứ năm, tăng cường phối hợp, cùng đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó đề cao vai trò trung tâm của ASEAN và phát huy hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Mỹ, Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ; đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh nguồn nước…
Thứ sáu, tiếp tục chú trọng đối thoại, chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau để thu hẹp những khác biệt.