Những tưởng rằng phương pháp truyền dịch chỉ áp dụng cho người và động vật. Tuy nhiên, các nhà khoa học Ấn Độ đã thử áp dụng cho cây hòng mong cung cấp dinh dưỡng cũng như diệt sâu bọ đang đục khoét thân cây.
Được biết đến với cái tên "Pillalamarri" hoặc "Peerla Marri" vì nó có rất nhiều cành nhánh. Cây đa 700 năm tuổi này là cây đa lớn thứ hai trên thế giới với bộ rễ trải rộng đến hơn 12.000 m2. Đây được xem và là điểm thu hút khách du lịch rất nổi tiếng của Mahabubnagar, bang Telangana, Ấn Độ.
Cây đa đang được truyền dịch. Ảnh: Times of India
Tuy nhiên, vào tháng 12-2017, sau nhiều năm phục vụ du khách và bị mối mọt phá hoại, một trong các nhánh chính của Pillalamarri rơi xuống gây nguy hiểm cho người dân và buộc các quan chức phải đóng cửa địa điểm du lịch.
Kể từ đó, Bộ Lâm nghiệp tìm đủ mọi cách để khôi phục cây đa 700 tuổi, bao gồm sử dụng bộ đỡ xi măng để chống cành và dùng hỗn hợp chloropyrifos pha loãng bơm vào thân cây để trừ sâu. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả do bởi sau khi ngừng bơm thuốc, sâu mọt lại xuất hiện trở lại.
Cuối cùng, các nhà khoa học đã nghĩ ra cách buộc hàng trăm túi chloropyrifos khắp nhánh cây, rồi sử dụng phương pháp truyền dịch để thuốc ngấm vào nhưng nhánh cây bị sâu mọt. Cuối cùng thì phương pháp này cũng đã thành công.
"Sức khỏe cây đang dần ổn định. Chúng tôi hy vọng rằng sắp tới nó sẽ trở lại bình thường. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch mở lại điểm du lịch này sau khi hội ý với các quan chức. Tuy nhiên, du khách chỉ được phép quan sát cây từ xa" - ông Chukka Ganga Reddy, một quan chức địa phương, trả lời phỏng vấn tờ Times of India.
Hình ảnh cây đa bị truyền dịch nhanh chóng lan khắp mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy rằng cây cối cũng có thể được điều trị bệnh theo cách gần giống với con người.