Thời gian vừa qua, khoa Lồng ngực – Mạch máu còn ghi nhận một trường hợp bị dị vật trong cơ thể có một không hai.
Bệnh nhân nữ ngoài 20 tuổi, làm công nhân may mặc tại TP.HCM. Một hôm do bị ho, sốt nên chị này đến bệnh viện khám và tá hỏa vì kết quả chụp X- quang cho thấy trong vú bên trái có một cây kim may cỡ to. Đặc biệt, cây kim này bị chèn ép nên đã gãy làm 3 mảnh.
Qua điều tra bệnh sử, bệnh nhân không hề nhớ bị kim đâm vào ngực từ bao giờ, chỉ biết gần đây có cảm thấy đau nhưng lại tưởng do thay đổi bình thường của sinh lý.
Theo các bác sĩ, trường hợp của bệnh nhân này hết sức khó khăn, phải theo dõi, đắn đo mới có thể quyết định chính xác ngày mổ lấy dị vật.
Chiếc kim trong người nạn nhân đã bị gãy làm nhiều mảnh và không cố định. Nếu phẫu thuật để lấy hết được mảnh kim loại ra, bác sĩ sẽ phải rạch rất nhiều đường (tổn thương chức năng của tuyến vú cũng như ảnh hưởng xấu về thẩm mỹ). Ngoài ra, thao tác mổ sẽ dễ làm dị vật đi xa hơn, khó định vị hơn.
Tuy nhiên, nếu không gắp dị vật ra các mảnh kim có khả năng đâm vào tạng của bệnh nhân gây biến chứng nhiễm trùng rất nguy hiểm.
Bị bò cái đè
Khoa Lồng ngực – Mạch máu Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM đang điều trị cho một trường hợp bị tai nạn rất…hi hữu.
Bệnh nhân tên là Trần Văn D., sinh năm 1956, ngụ tại ấp An Thạch, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, làm nghề chăn nuôi bò giống.
Cách đây một tuần, khi đang buộc con bê vào gốc cây thì bất ngờ bò mẹ ở gần nhìn thấy, chạy lồng lên hất tung anh D. xuống đất.
“Tôi chẳng chọc ghẹo gì nó, chỉ đứng buộc con bê, thế mà nó hất tôi ngã rồi giẫm chân lên ngực làm tôi không cựa được. Chưa dừng lại, con bò cái này còn cúi xuống húc cho tôi 2 nhát vào đầu, một nhát vào cổ. May nhờ có người thấy tri hô nên tôi mới được cứu ra, đưa đi viện kịp thời. Cứ tưởng dốt như bò, ai ngờ nó…khôn thế!” – ông D. than thở.
Dù đã được sơ cứu tại bệnh viện địa phương nhưng vết thương ở đầu của ông D. không ngừng chảy máu, nghiêm trọng nhất là vết thương bò húc nơi hõm cổ bên phải khá sâu, bị nhiễm trùng lan tỏa, sưng tấy, chảy mủ xanh.
Bệnh nhân Trần Văn D. đã được xử lý vết thương. Ảnh: Thanh Huyền |
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân đã được xử lý rạch vết thương, chích mủ và kết hợp uống kháng sinh liều cao để điều trị.
Ngày 28/7, khoa Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng cấp cứu cho một trường hợp bị tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng.
Bệnh nhân là một cụ ông 80 tuổi, tên Đặng Trung H., cư trú tại đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10.
Sau khi trời mưa, cụ H. đã bắc thang trèo lên mái nhà để móc rác. Ai ngờ, nước mưa làm chiếc thang bị trượt, khiến cụ ngã vào hàng rào bên cạnh. Kết quả, nạn nhân đã bị 2 cọc sắt nhọn của hàng rào đâm xuyên, gây thủng thành ngực trái. Sau khi cố gắng rút dị vật ra, máu phun nhiều nên cụ H. đã ngất ngay tại chỗ và được người dân đưa đi cấp cứu.
PGS – TS, BS Cao Văn Thịnh, Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115 lưu ý người dân cẩn trọng trong lao động và sinh hoạt. Những sơ xuất tưởng chừng rất đơn giản lại chính là nguyên nhân gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống cũng như sức khỏe của nạn nhân.
Chỉ tính riêng thống kê của khoa Cấp cứu Ngoại viện, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 2 ca tai nạn lao động và khoảng 400 ca tai nạn sinh hoạt. Trong tháng 7/2010, ê kíp cấp cứu ngoại viện của bệnh viện đã ghi nhận 2 ca bị điện giật, một ca chết đuối.
- Theo Thanh Huyền (VNN)