Facebook là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, cho phép chúng ta kết nối, trao đổi và giữ liên lạc với người thân, bạn bè, đồng nghiệp… bất kể khoảng cách địa lý. Do đó, việc kẻ gian lợi dụng Facebook để lừa đảo cũng không có gì khó hiểu.
Thông thường, kẻ gian sẽ tạo tài khoản Facebook giả mạo bạn bè, người thân của bạn để nhờ chuyển tiền, khai thác thông tin cá nhân… hoặc tổ chức kinh doanh bất hợp pháp. Làm thế nào để phát hiện các tài khoản Facebook giả mạo?
1. Hình ảnh giả mạo hoặc được tải từ Internet
Rất nhiều người sử dụng hình ảnh của người khác để làm ảnh đại diện Facebook bởi họ không muốn tiết lộ danh tính thật.
Nếu nghi ngờ một tài khoản là giả mạo, bạn có thể tìm kiếm ảnh đại diện của họ thông qua Google Images, hoặc các công cụ chuyên dụng như TinEye, Pixsy…
Tìm kiếm ngược hình ảnh đại diện thông qua Google. Ảnh: MINH HOÀNG |
Quá trình này khá đơn giản, bạn chỉ cần tải ảnh lên và bắt đầu tìm kiếm. Nếu tìm thấy cùng một hình ảnh được đăng vào thời điểm trước đó ở một nơi khác thì có thể tài khoản bạn đang tương tác là giả mạo.
2. Mốc thời gian không nhất quán
Rất nhiều tài khoản giả mạo trên Facebook là tài khoản bị hack, chúng thường được bán trên chợ đen với giá vài ngàn đồng/tài khoản.
Thông thường, việc tạo một tài khoản mới để giả mạo người khác sẽ rất dễ bị phát hiện, do đó, kẻ gian thường mua các tài khoản cũ. Tuy nhiên, cách này thường sẽ có một lỗ hổng là Timeline (dòng thời gian) không nhất quán.
Nếu bạn lướt qua dòng thời gian của một số hồ sơ giả và so sánh với hiện tại, bạn sẽ nhận thấy sự mâu thuẫn trong cách đăng bài.
Kiểm tra dòng thời gian để phát hiện tài khoản giả mạo. Ảnh: MINH HOÀNG |
3. Nhờ chuyển tiền
Đây là một trong những hình thức lừa đảo khá quen thuộc trên Facebook nhưng vẫn có không ít người bị lừa. Thông thường, kẻ gian sẽ hack tài khoản người thân, bạn bè của bạn, sau đó nhắn tin và nhờ bạn chuyển tiền.
Nếu nhận được yêu cầu này, hãy thận trọng kiểm tra lại mọi thứ bằng cách gọi điện trực tiếp cho chủ tài khoản. Đồng thời không cung cấp bất kì thông tin cá nhân, ngân hàng… cho người lạ.
Xác minh trực tiếp trước khi chuyển tiền theo yêu cầu. Ảnh: MINH HOÀNG |
4. Tài khoản hiếm khi nhắn tin
Có khá nhiều tài khoản giả mạo được điều hành bởi bot, do đó, họ thường cố gắng tránh các cuộc trò chuyện có thể tiết lộ sự thiếu hiểu biết của họ về bạn.
5. Yêu cầu kết bạn từ người lạ
Nếu bạn nhận được nhiều lời mời kết bạn từ các tài khoản không có bất kì người bạn chung nào, có khả năng đó là một tài khoản giả đang nhắm mục tiêu trực tiếp đến bạn.
Hạn chế kết bạn với những người không có bạn chung hoặc thông tin không rõ ràng. Ảnh: MINH HOÀNG |
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều tài khoản giả mạo được làm rất chi tiết sau khi kẻ gian đã tìm hiểu kĩ thông tin. Do đó, bạn cần chú ý thêm đến một số yếu tố khác như thời gian hoạt động của tài khoản, cách đăng bài…
Để chặn yêu cầu kết bạn từ những người không có bạn chung, bạn hãy mở ứng dụng Facebook trên điện thoại và truy cập vào Settings & Privacy (cài đặt và quyền riêng tư) - Settings (cài đặt) - Profile settings (cài đặt trang cá nhân) - Who can send you friend requests? (ai có thể gửi cho bạn lời mời kết bạn) - Friends of friends (bạn của bạn bè).
Chặn yêu cầu kết bạn từ người lạ. Ảnh: MINH HOÀNG |
Nếu bạn cho rằng tài khoản đó đang mạo danh bạn bè, hãy thử liên hệ với người bạn đó thông qua email, điện thoại… hoặc các nền tảng khác.