Tình trạng nhập sản phẩm hoặc bán sản phẩm kèm ‘lạc’ (các phụ kiện đi kèm) trên thị trường vốn chẳng phải là mới.
Ví dụ như trong mảng ô tô, sau khi nắm được tâm lý thích mua xe của người tiêu dùng vào dịp cuối năm, một số đại lý đã tung chiêu bán xe kèm ‘lạc’, buộc khách hàng phải mua thêm các gói phụ kiện, đơn cử như lót sàn, cách nhiệt, phủ gầm… nếu muốn nhận xe.
Tương tự, ở thời điểm cuối năm 2022 (khi iPhone 14 series vừa ra mắt và khan hàng), các đại lý phân phối sản phẩm Apple chính hãng (AAR) nếu muốn nhập iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max buộc phải nhập kèm thêm phụ kiện khác, đơn cử như ốp lưng, AirPods, MacBook…
Nhà phân phối buộc phải nhập kèm ‘lạc’ nếu muốn nhập iPhone. Ảnh: TIỂU MINH |
Chia sẻ với PLO, đại diện một hệ thống bán lẻ cho biết tỉ lệ nhập ‘lạc’ đi kèm iPhone thay đổi tùy thuộc vào từng đợt hàng và từng nhà phân phối. Ví dụ, nếu muốn nhập 100 iPhone 14 Pro Max, cửa hàng phải nhập kèm 200 AirPods, 100 ốp lưng, 50 MacBook, 100 Apple Watch… theo tỉ lệ 1:1 hoặc 1:2 tùy phụ kiện.
Ở thời điểm cuối năm 2022, hầu như chỉ có iPhone 14 series là bán chạy, trong khi nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm khác ngoài iPhone (non-iPhone) rất thấp, do đó, các đại lý buộc phải bán lỗ để xả hàng.
Sau khi nhận được phản ánh từ báo chí, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đề nghị các nhà phân phối, hệ thống bán lẻ chính hãng Apple tại Việt Nam cung cấp thông tin về việc muốn nhập iPhone 14 Pro phải nhập kèm ‘lạc’ (MacBook, AirPods, Apple Watch…).
Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu các AAR cung cấp tỉ lệ các sản phẩm không phải iPhone (non-iPhone) phải nhập kèm với iPhone (nếu có) trong thời gian 6 tháng cuối năm 2022.
Các doanh nghiệp cũng cần làm rõ quy định, điều khoản về bán kèm trong hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp và đại lý, đồng thời nêu rõ tác động tiêu cực của chính sách phải nhập kèm các sản phẩm non-iPhone (nếu có).