Chiêu lừa ‘tôi là trưởng phòng nhân sự’ bùng phát lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Đánh vào tâm lý thích việc nhẹ lương cao, các đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo là trưởng phòng nhân sự, sau đó lừa bạn mua hàng online và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Cẩn trọng chiêu lừa “tôi là trưởng phòng nhân sự”

Cụ thể, nội dung tin nhắn sẽ đại loại như sau: “Xin chào, tôi là trưởng phòng nhân sự của công ty ABC đang tuyển dụng nhân viên bán thời gian. Tiền lương được trả hàng ngày, thu nhập lên đến 15-30 triệu một tháng. Công việc đơn giản và có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi. Liên hệ ứng tuyển qua số điện thoại, Zalo, Telegram…”.

Cẩn trọng chiêu lừa “tôi là trưởng phòng nhân sự…”. Ảnh: MINH HOÀNG

Cẩn trọng chiêu lừa “tôi là trưởng phòng nhân sự…”. Ảnh: MINH HOÀNG

Khi liên hệ với các số điện thoại hoặc tài khoản trong tin nhắn, bạn sẽ được đối tượng hướng dẫn mua hàng online (thanh toán trước), sau đó tiền gốc và hoa hồng sẽ được chuyển ngược lại tài khoản ngân hàng của bạn.

Để tạo lòng tin, kẻ gian sẽ hoàn tiền đầy đủ cho những đơn hàng đầu tiên (thường có giá trị nhỏ). Tuy nhiên, các đơn hàng tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn, thường là vài triệu cho đến vài chục triệu, và bắt đầu từ lúc này bạn sẽ không được hoàn tiền, chưa kể đến việc còn có thể bị mất thông tin đăng nhập ngân hàng, dính mã độc...

Kịch bản chung của kẻ gian là sẽ hoàn tiền 1-2 lần đầu để tạo lòng tin, sau đó mới bắt đầu dụ dỗ và chiếm đoạt tài sản của bạn. Nhìn chung, hình thức lừa đảo này vốn không phải là mới, đánh vào tâm lý thích “việc nhẹ lương cao”.

Ngoài ra, bạn đọc cũng nên cẩn trọng các thông tin tuyển dụng việc làm nhẹ nhàng, lương cao, không cố định giờ giấc, không có địa chỉ công ty rõ ràng… để tránh bị mất tiền oan uổng.

Tin nhắn lừa đảo bùng phát mạnh dịp cuối năm. Ảnh: MINH HOÀNG

Tin nhắn lừa đảo bùng phát mạnh dịp cuối năm. Ảnh: MINH HOÀNG

Cách hạn chế bị lừa đảo qua tin nhắn

Thông thường, các tin nhắn lừa đảo sẽ được phát tán thông qua iMessage, để hạn chế, bạn hãy truy cập vào phần Settings (cài đặt) trên iPhone, tìm đến mục Messages (tin nhắn) và tắt tùy chọn iMessage.

Cách hạn chế tin nhắn lừa đảo trên iPhone. Ảnh: MINH HOÀNG

Cách tắt iMessage và hạn chế tin nhắn lừa đảo trên iPhone. Ảnh: MINH HOÀNG

Cũng trong phần cài đặt, người dùng cũng nên bật thêm tùy chọn Filter Unknown Senders (lọc người gửi không xác định). Kể từ lúc này, iPhone sẽ tự động phân loại các tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác… được gửi từ những số điện thoại lạ vào mục Unknown Senders (người gửi không xác định).

Lọc tin nhắn lừa đảo trên iPhone. Ảnh: MINH HOÀNG

Lọc tin nhắn lừa đảo trên iPhone. Ảnh: MINH HOÀNG

Bên cạnh đó, khi đọc tin nhắn, bạn cũng có thể bấm vào tùy chọn Báo cáo tin rác để đánh dấu tin nhắn này là spam.

Nếu bị thêm vào các nhóm tin nhắn trên Messenger, người dùng chỉ cần mở ứng dụng và bấm vào biểu tượng menu ở góc trên bên trái, sau đó chọn Message requests (tin nhắn đang chờ) - Spam.

Cách rời khỏi các nhóm tin nhắn làm phiền trên Messenger. Ảnh: MINH HOÀNG

Cách rời khỏi các nhóm tin nhắn làm phiền trên Messenger. Ảnh: MINH HOÀNG

Tại đây, Messenger sẽ hiển thị tất cả các tin nhắn rác từ một người hoặc một nhóm bất kì, việc bạn cần làm là chọn nhóm cần rời khỏi và bấm vào biểu tượng chữ “i” ở góc phải, sau đó kéo xuống cuối trang và chọn Leave group (rời khỏi nhóm).

Nếu bị thêm vào các nhóm spam trên Telegram, bạn chỉ cần mở ứng dụng và chọn nhóm đó. Tiếp theo, người dùng chỉ cần chạm vào tên nhóm và bấm vào biểu tượng ba chấm ở góc trên bên phải, chọn Delete and Leave Group (xóa và rời khỏi nhóm).

Cách thoát khỏi các nhóm spam trên Telegram. Ảnh: MINH HOÀNG

Cách thoát khỏi các nhóm spam trên Telegram. Ảnh: MINH HOÀNG

Hy vọng với những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp, bạn đọc sẽ biết cách nhận diện tin nhắn lừa đảo, tránh bị mất tiền oan uổng vì nhẹ dạ cả tin.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

Đọc thêm