Giá bán smartphone ngày càng bị đẩy lên cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(PLO)- Theo thống kê của IDC, doanh số điện thoại thông minh trong năm 2022 đã giảm mạnh, thậm chí cả Apple cũng bị giảm 15%.

Điều đó cho thấy các nhà sản xuất khác sẽ bị thiệt hại nhiều hơn nữa. Cụ thể, doanh số của Apple trong quý 4 năm 2022 đã giảm xuống chỉ còn 72,3 triệu iPhone, thấp hơn gần 13 triệu chiếc so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, doanh số của Samsung và nhà sản xuất Trung Quốc Xiaomi cũng bị giảm 26%.

Nguyên nhân ban đầu được cho là do ảnh hưởng của việc Lockdown tại Trung Quốc, khiến các nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị phải đóng cửa một khoảng thời gian dài vào cuối năm 2022. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là do người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu trong việc mua điện thoại.

Các chuyên gia phân tích số liệu dự đoán nhu cầu điện thoại thông minh trong năm 2023 vẫn sẽ thấp, khi người tiêu dùng chuyển trọng tâm từ việc mua các thiết bị điện tử sang các “chi tiêu thiết yếu” như thực phẩm, sưởi ấm và xăng dầu để có thể đối mặt với những thay đổi trong tương lai gần, khi thất nghiệp và lạm phát tăng cao.

Việc doanh số điện thoại giảm là một thực tại đáng buồn và dường như không thể tránh khỏi với một ngành công nghiệp đã bùng nổ cách đây không lâu.

Doanh số bán iPhone của Apple cũng bị giảm 15% trong quý 4 năm 2022. Ảnh: Unsplash

Doanh số bán iPhone của Apple cũng bị giảm 15% trong quý 4 năm 2022. Ảnh: Unsplash

“Tôi tin rằng doanh số bán điện thoại thông minh giảm không phải là điều bất thường và sẽ tiếp tục khi người tiêu dùng ý thức hơn về thói quen chi tiêu của họ, cũng như tác động môi trường của thị trường điện thoại thông minh”, chuyên gia viễn thông Steven Athwal chia sẻ.

Việc phụ thuộc vào Trung Quốc của Apple là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến doanh số bán iPhone của công ty bị sụt giảm. Bất kỳ tác động nào từ chính trị tới đại dịch luôn có thể gây ra các vấn đề lớn. Ví dụ, vào cuối năm 2022, các đơn đặt hàng iPhone 14 series trước Giáng sinh đã bị đẩy lùi sang năm mới.

Hiện tại Apple đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách dịch chuyển việc sản xuất sang Ấn Độ và Việt Nam. Theo SCMP, Foxconn (nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của Apple) đã hoàn tất kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất iPad, MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Đầu tháng 5 này, iPad và MacBook có thể được sản xuất tại Việt Nam thông qua nhà máy của Foxconn ở tỉnh Bắc Giang. Mục tiêu của Apple là sản xuất tại Việt Nam những sản phẩm mà Apple hiện đã sản xuất tại Trung Quốc. Foxconn đã có 60.000 người làm việc tại Việt Nam.

Ngoài Việt Nam, Apple cũng đã chuyển dây chuyền sản xuất iPhone sang Ấn Độ, bắt đầu từ phiên bản iPhone SE vào năm 2017. Năm ngoái, Apple đã bật đèn xanh cho công ty Wistron để sản xuất iPhone 14, Ming-Chi Kuo, nhà phân tích cực kỳ đáng tin cậy của TF International, đã tweet: “Lịch trình sản xuất hàng loạt iPhone 14 ở Ấn Độ vẫn chậm hơn Trung Quốc khoảng 6 tuần, nhưng khoảng cách đã được cải thiện đáng kể”.

Một nhà phân tích cho biết một nửa số iPhone được phát hành trên toàn cầu sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ vào năm 2027.

Một lý do khác khiến doanh số bán điện thoại thông minh giảm mạnh là do mức giá của sản phẩm ngày càng tăng. Khi doanh số bán hàng chậm lại một cách tự nhiên do thị trường ngày càng bão hòa, một cách để thỏa mãn cơn khát tăng trưởng vô độ (không bền vững) của các công ty là tăng giá sản phẩm.

Nhiều người tự hỏi tại sao phải nâng cấp điện thoại nếu sự khác biệt duy nhất chỉ nằm ở con chip mới, cung cấp hiệu suất nhanh hơn đôi chút hoặc camera được cải thiện nhẹ?

Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể chờ đợi khoảng 1 tháng sau khi sản phẩm ra mắt để nhận được mức giá ưu đãi hơn. Theo thông lệ, các hãng thường sẽ giảm giá sản phẩm chỉ sau từ 15 ngày cho đến 3 tháng.

Đọc thêm