“Tôi có một niềm tin, niềm tự hào vô hạn đối với trường và những lãnh đạo kế cận đang hướng về tương lai. Trong thời khắc chuyển giao thế hệ, tôi chân thành cầu mong Đại học Văn Lang phát triển như niềm tin yêu của tất cả chúng ta".
Đó là những lời chia sẻ chân thành của kỹ sư (KS) Bùi Quang Độ, một trong những người đồng sáng lập trường đại học Văn Lang nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Trường (1995-2020).
Một dòng lý lịch trích ngang khá quen thuộc và cho những ai cần biết về kỹ sư (KS) Bùi Quang Độ: xuất thân là giảng viên Đại học Bách Khoa (Hà Nội) vào thập niên 60 của thế XX.
Ông vào quân đội, chốt ở bộ phận máy tính điện tử. Sau khi rời quân ngũ, ông chuyển sang tham gia xây dựng ngành điện tử- tin học và từng là Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Tin học (Gen Pacific).
Ông tham gia điều hành nhiều doanh nghiệp khác và trở thành đồng sáng lập Đại học Văn Lang, đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường gần như từ ngày đầu thành lập cho đến nay.
Bạn hữu, đồng nghiệp xa gần từ mấy chục năm nay, có người còn cho ông là dị nhân vì sự thành công và “mát tay” trên nhiều lĩnh vực, lại có lối quảng giao lịch lãm, ân tình, chu đáo.
Để hình dung tầm vóc con người của ông, đã có người gợi ý ông viết hồi ký để ghi lại những suy tư, trải nghiệm trên hành trình xây dựng Đại học Văn Lang trở thành một đại học xứng tầm trong khu vực. Nhưng ông khiêm nhường từ chối, như tính cách xưa giờ vẫn thế: bên ngoài lặng lẽ, không ồn ào, nghiêm nghị, cương trực nhưng khi vào công việc thì ân cần, niềm nở, chu đáo, tận tâm.
Suốt mấy mươi năm qua ở nước ta, các nhà giáo dục kỳ cựu, doanh nghiệp tham gia mở trường ngoài công lập không ít, nhiều người thành công, lắm người thất bại, nhưng chưa mấy ai nổi tiếng, được dư luận đánh giá cao bằng một niềm ái mộ như KS. Bùi Quang Độ.
Từ lúc lấy văn phòng Công ty Gen Pacific của mình làm trụ sở đầu tiên của Trường Đại học dân lập Văn Lang (năm 1995), cho đến một Đại học Văn Lang bề thế tại cơ sở 3 (69/68 Đặng Thùy Trâm, quận Bình Thạnh, TP.HCM) hiện nay, KS. Bùi Quang Độ luôn là thủ lĩnh chiến lược cho hầu hết đường đi của nhà trường.
Đặc biệt, sự dày công, quyết đoán, táo bạo của KS. Bùi Quang Độ và lãnh đạo Đại học Văn Lang từ những năm 1998 để Thủ tướng Chính phủ giao khu đất đắc địa (cơ sở 3 ngày nay) cho Trường đã cho thấy tầm nhìn xa trong bối cảnh phức tạp về cơ chế những năm đầu xã hội hóa giáo dục.
Cơ sở 3 của Đại học Văn Lang là một khu phức hợp giáo dục hiện đại theo mô hình các nước tiên tiến trên thế giới, nổi bật trong số các đại học có cơ sở vật chất hàng đầu của cả nước.
Sinh viên Văn Lang ngày nay đang được thụ hưởng những giá trị cốt lõi mà những người đi trước đã vun đắp, trong đó có kỹ sư Bùi Quang Độ.
Nổi tiếng là người cẩn thận, chu đáo, đã quyết là làm bằng một ý chí sắt đá, trong thời gian ngắn sau khi Đại học Văn Lang chuyển đổi thành công sang loại hình tư thục (năm 2015), KS. Bùi Quang Độ tiếp tục hậu thuẫn cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt định hình lại trường và định hình lại khái niệm đại học trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục quốc gia.
Đại học Văn Lang hiện đang là đơn vị tiên phong đề xuất mô hình thành phố giáo dục và hệ sinh thái đổi mới - sáng tạo với cốt lõi là trường đại học, thực hiện chuyển đổi số và đào tạo linh hoạt, với tầm nhìn độc đáo để vươn xa trong khu vực.
Có điều lạ là bên cạnh con người của công việc đại sự, gai góc, KS. Bùi Quang Độ nổi tiếng là người mê cái đẹp của tự nhiên, mê đồ cổ đến cuồng si. Từng lao tâm khổ tứ làm việc đến mức tưởng dừng bước vì bị tai biến nhưng ông vẫn dành thời gian để thỏa thú chơi sưu tầm cây cảnh, đồ cổ - nghề chơi lắm công phu và tốn kém.
Như Thạp đồng Đào Thịnh, đây được xem là bảo vật văn hóa dân tộc, chỉ còn hai chiếc, thì một hiện ở Bảo tàng Quốc gia Việt Nam và một của KS. Bùi Quang Độ (hiện trưng bày trong phòng thờ Quốc tổ Hùng Vương của Đại học Văn Lang).
Đến thăm Đại học Văn Lang, nhà sử học Dương Trung Quốc từng trầm trồ, thán phục về ý thức bảo vệ cổ vật của chủ nhân cũng như đề cao ý thức giáo dục những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc cho các thế hệ sinh viên.
Để ý thấy ông chăm chút từng dáng cây bon sai, từng thế đứng của viên đá, mới hiểu niềm mê cái đẹp tự nhiênqua cách đặt thế của mỗi đồ vật, vài hôm lại thay một cây trưng trong phòng theo phong thủy. Dường như đó là nhu cầu về sự hài hòa giữa đất trời với con người để lấy lại thăng bằng trong cuộc sống còn xô bồ, náo loạn mà không thể không đối diện. Thú chơi, bày biện có dáng dấp của học lý phương Đông. Trong thâm tâm, KS. Bùi Quang Độ muốn đưa tất cả chiêm nghiệm ấy vào ý tưởng xây dựng không gian cảnh quan sinh thái cho Đại học Văn Lang.
Cũng ít người biết rằng, KS. Bùi Quang Độ là người mê văn, từng thi học sinh giỏi văn (phổ thông cấp ba) miền Bắc vào thập niên 60 của thế kỷ XX cùng với nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ.
Khi vào Đại học, ông lại được phân vào Đại học Bách khoa với ngành điện tử, nhưng cái máu mê văn chương vẫn sẵn trong người. Ông từng ao ước làm việc ở viện Văn nếu được đào tạo theo con đường văn học, và tri ân người thầy từng gieo vào mình niềm đam mê văn chương từ thuở học trò–Giáo sư Tương Lai.
Năm tháng trôi qua đã bào mòn sức lực của người thủ lĩnh can trường vào chặng cuối cuộc đời. Nhìn thấy KS. Bùi Quang Độ gò mình trên máy tính để đọc thông tin và kịp thời chỉ đạo trong nỗ lực cuối cùng vẫn thấy đôi mắt ánh lên khao khát mãnh liệt được cống hiến.
Nhà hát Trịnh Công Sơn ở cơ sở 3, nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật của nhà trường
Ngôi trường trong ao ước mà ông và đội ngũ lãnh đạo đã gầy dựng từ những ngày đầu đang dần hiện hữu ngày một rõ nét, không còn là giấc mơ nữa. Nhưng phía trước vẫn còn ngổn ngang, trắc trở. Ông phải làm cái cần làm như một quy luật tất yếu. Thanh thản, nhẹ nhàng chuyển giao thế hệ.
Điều này không dễ ở nhiều người có cương vị như ông hiện nay. Bao sự đổ vỡ của một số cơ sở ngoài công lập đều do lãnh đạo không vượt qua chính mình. Nhưng với KS. Bùi Quang Độ thật nhẹ nhàng.