Lạ lùng nhà ở giá rẻ vẫn... ế

(PLO)- Có những dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cháy hàng nhưng cũng có nhiều dự án chủ đầu tư phải kêu trời vì... ế.

Mới đây, nhận định về thực trạng của thị trường bất động sản, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho rằng: Thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như dư thừa nhà ở phân khúc cao cấp, biệt thự trong khi thiếu nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ phù hợp với thu nhập của người lao động.

Khan hiếm nguồn cung dự án nhà ở giá rẻ

Tính đến ngày 30-9, Ngân hàng Chính sách xã hội mới giải ngân đạt 55% kế hoạch trên tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỉ đồng.

Trong khi đó gói tín dụng 120.000 tỉ đồng hiện mới chỉ có ngân hàng BIDV và Agribank ký cam kết cấp tín dụng là 1.091 tỉ đồng cho ba dự án, số tiền giải ngân đến nay là 105 tỉ đồng.

Lý giải về việc gói 120.000 tỉ giải ngân chậm, bà Hà Thu Giang cho biết: “Khó khăn lớn nhất là nguồn cung dự án nhà ở xã hội (NOXH) còn hạn chế. Hiện mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh sách 54 dự án đủ điều kiện tham gia gói vay này.”

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát 54 dự án được UBND các tỉnh thành công bố thì đến nay có năm dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) là chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) chưa đủ điều kiện cho vay.

Nhiều quy định siết chặt khiến người lao động khó tiếp cận nhà ở giá rẻ

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý nhà và bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Lũy kế giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn cả nước có 465 dự án NOXH với quy mô 412.845 căn. Đặc biệt, trong tháng 10 đầu năm nay, số lượng NOXH, nhà ở công nhân khu công nghiệp đã được khởi công là 19.853 căn.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH, xác định việc phát triển NOXH là hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung dài hạn của chủ đầu tư."

Cả người bán lẫn người mua đều “vã mồ hôi”

Phân khúc NOXH, nhà ở công nhân luôn nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng đến ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân. Tuy nhiên, quá nhiều điều kiện ngặt nghèo đã gây khó cho cả hai bên, chủ đầu tư thì "ế hàng" còn người mua bị loại ngay từ vòng gửi xe.

Chia sẻ về khó khăn của chủ đầu tư khi làm dự án nhà ở cho công nhân, ông Lâm Hoàng Đăng – Phó Tổng Giám đốc công ty Bất động sản Văn Phú cho biết: "Doanh nghiệp hiện đang có dự án nhà ở công nhân ở Bắc Ninh và không gặp bất cứ khó khăn gì về thủ tục pháp lý khi thực hiện. Thế nhưng đến giai đoạn bán hàng thì chúng tôi lại bị vướng.

Trước hết, nhà ở cho công nhân nên đối tượng mua chỉ dành cho công nhân. Thứ hai, điều kiện để công nhân vay vốn mua nhà rất khó khăn, vừa phải đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, vừa phải có thu nhập thường xuyên không thuộc trường hợp nộp thuế thu nhập.

Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần xem xét điều chỉnh, mở rộng đối tượng được mua nhà ở cho công nhân theo hướng không chỉ công nhân mới được mua và nới lỏng điều kiện vay vốn."

Theo bà Lê Thùy Linh- Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS IMG, việc tiếp cận vốn vay hiện khá khó khăn. Doanh nghiệp này kiến nghị Bộ Tài chính và NHNN để doanh nghiệp vay theo lãi suất thương mại như bình thường để phát triển dự án NOXH, nhà ở công nhân nhưng hỗ trợ thông qua chính sách thuế. Đơn cử như điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án này về mức 10%.

“Tôi nghĩ đây là cách nhanh nhất, an toàn, hiệu quả để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và người dân cũng có NOXH vì nó được hạch toán vào giá bán của dự án” - bà Linh nói.

Tại buổi họp trực tuyến do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hôm 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định thời gian tới bộ sẽ có các giải pháp trên cơ sở tinh thần cùng đồng hành, chia sẻ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cùng doanh nghiệp và người dân.

Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, các bộ ngành cũng đang ban hành các văn bản dưới luật, thông tư để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới