Hiện, rất nhiều tài khoản trên mạng xã hội đăng thông báo tuyển cộng tác viên bán hàng có chiết khấu “hoa hồng” cao. Nhiều người hám lợi trước mắt đã rơi vào cái bẫy được giăng sẵn.
Sàn giao dịch giống giao diện của Lazada mà kẻ lừa đảo đưa cho chị H. Ảnh: NVCC |
“Bẫy” giăng sẵn
Chị H - nhân viên văn phòng ở Bình Dương là một trong nhiều trường hợp bị “sập bẫy” dưới chiêu thức tuyển cộng tác viên bán hàng trên mạng.
Cụ thể tháng 4-2022, chị H nhận được một cuộc điện thoại lạ đề nghị hợp tác làm cộng tác viên bán hàng cho Lazada. Việc làm thêm này tranh thủ được thời gian, không cần vốn, công việc nhẹ nhàng và đặc biệt mức chiết khấu “hoa hồng” rất cao.
Giao dịch |
Các giao dịch chuyển tiền mà chị H chuyển cho kẻ lừa đảo. Ảnh: NVCC |
Khi đó, chị H đang gặp hoàn cảnh khó khăn muốn làm thêm để kiếm thêm thu nhập nên đã nhận lời.
Ban đầu, chị được kẻ lừa đảo kết bạn zalo và cho vào một nhóm kín. Những người được vào nhóm này sẽ nhận một link trang web rất giống giao diện của sàn thương mại điện tử Lazada.
Mọi người sẽ nhận nhiệm vụ như nhau. Cụ thể, cứ 10 phút có một nhiệm vụ, chị và những người khác được hướng dẫn vào một cửa hàng trên trang web, bấm theo dõi là sẽ có 10.000 đồng. Khi được khoảng 80.000 đồng thì sẽ có một nhiệm vụ khác.
Kẻ lừa đảo còn yêu cầu người tham gia chuyển khoản một số tiền thì sẽ được hưởng 20%-40% hoa hồng, khi xong nhiệm vụ thì cuối ngày nhận được 300.000 đồng.
Phương thức này được áp dụng tương tự cho những ngày tiếp theo nhưng số tiền được yêu cầu chuyển tăng lên, nếu ai không đảm bảo vốn thì mất tiền.
Trong thời gian ngắn, chị H đã chuyển khoản cho kẻ lừa đảo hơn 30 triệu đồng.
Đến khi kẻ lừa đảo yêu cầu chị làm một nhiệm vụ cuối cùng rồi sẽ chuyển lại toàn bộ tiền gốc và “hoa hồng”. Tuy nhiên số tiền chuyển phải đủ 100 triệu đồng. Lúc này chị H mới nghi ngờ và lo sẽ mất số tiền lớn nên không thực hiện.
Rất may chị H đã kịp tỉnh táo để không bị lừa số tiền lớn. Ảnh: LA |
Theo chị H kẻ lừa đảo rất tinh vi, mỗi lần thực hiện nhiệm vụ xong là hủy nhóm để những thành viên trong nhóm không liên hệ được với nhau; đồng thời hủy zalo cũ, kết bạn bằng số điện thoại khác.
“Chỉ vì nhẹ dạ và muốn có công việc làm thêm trong lúc khó khăn nên đã “sập bẫy” - chị H chia sẻ và mong mọi người cảnh giác, không dễ dàng tin tưởng vào những lời mời chào từ người lạ cũng như trên mạng xã hội.
Thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham
Thượng tá Trần Thanh Hoàng Hai, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Tình trạng người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với chiêu thức dụ dỗ tham gia làm công tác viên bán hàng trên mạng xảy ra thường xuyên và có dấu hiệu gia tăng.
Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương phát đi cảnh báo. Ảnh: CA Bình Dương |
Theo Thượng tá Hai, kẻ lừa đảo nắm bắt được tâm lý hám lợi và nhẹ dạ cả tin của một số người dân, do đó đã nhắn tin hoặc sử dụng các tài khoản mạng xã hội để đăng truyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Sau đó, những kẻ lừa đảo yêu cầu thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ nhận được tiền gốc cùng chiết khấu hoa hồng. Tuy nhiên chỉ những đơn hàng đầu tiên có giá trị nhỏ công tác viên mới được thanh toán kèm theo hoa hồng để tạo lòng tin.
Tiếp đó, nhóm lừa đảo yêu cầu cộng tác viên chuyển số tiền lớn hơn rồi chiếm đoạt.
Thực tế hiện rất nhiều người dân đang cần việc làm, bà mẹ đang nuôi con nhỏ muốn có việc làm thêm khi ở nhà nên đã "sập bẫy".
Thượng tá Hai cảnh báo, người dân cần tuyệt đối cảnh giác đối với các quảng cáo tuyển người làm việc online, đặc biệt là cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử. Không nên tải, cài đặt các App không phải từ kho ứng dụng App store và CH Play. Nếu phát hiện các trường hợp lừa đảo thì báo ngay cho cơ quan công an để xác minh, ngăn chặn và xử lý.
Vị trưởng phòng này cũng đề nghị người dân chia sẻ cảnh báo đến người thân, bạn bè về các phương thức, thủ đoạn nêu trên để tránh tình trạng tiền mất tật mang.
Người dân cũng có thể liên hệ đến số điện thoại 02743.822.638 hoặc 02743.815.505 để phản ánh vụ việc.