Theo SSI, thế giới tiếp tục phân mảnh, cạnh tranh nước lớn gia tăng, rủi ro địa chính trị khó có thể dịu bớt, và việc hàng tỷ người trên thế giới đi bầu cử trong năm 2024 cho thấy yếu tố bất định rất lớn của bối cảnh toàn cầu năm 2024.
Việt Nam có nhiều lợi thế khi đang sở hữu tới 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và là đối tác chiến lược của hầu như tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa trong năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế
Cùng với sự hồi phục của ngành công nghệ sau một năm 2023 không tích cực, khi nhu cầu đầu tư/mua sắm để đáp ứng nhu cầu liên quan đến trí tuệ nhân tạo gia tăng, thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ có sự hồi phục tích cực.
Việt Nam cũng chỉ còn một lần mười năm nữa là hết giai đoạn dân số vàng, nếu không tận dụng cơ hội để có mức tăng trưởng đột phá thì nguy cơ tụt hậu là rất lớn.
Khi mà nợ công/GDP chỉ ở mức 37%, thì việc dư địa để tăng chi tiêu công là một lợi thế của Việt nam. Với đầu tư công, đó là kéo dài Chương trình Phục hồi và phát triển Kinh tế thêm 1 năm, bổ sung vốn đầu tư công từ nguồn dự phòng chung hay thực hiện Nghị quyết 106 của Quốc hội về thí điểm chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ). Với tiêu dùng nội địa, việc hỗ trợ có thể thông qua các công cụ như thuế, cải cách tiền lương và duy trì mặt bằng lãi suất thấp và tỷ giá ổn định.
So với các nước trong khu vực, nợ chính phủ của Việt Nam ở mức dễ kiểm soát và nằm trong nhóm thấp nhất trong khu vực khi Chính phủ đã không đẩy chi tiêu quá mạnh trong thời kỳ COVID-19. Do đó, việc Chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa trong suốt năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế là hoàn toàn hợp lý.
Sau một thời gian trì hoãn do đại dịch COVID-19, việc triển khai cải cách chính sách tiền lương cho khu vực công (+30% bình quân cho năm 2024) sẽ diễn ra từ 1-7-2024, cùng với đó là việc tăng lương tối thiểu vùng (+ 6%). Đây là những động lực mới cho tiêu dùng nội địa năm 2024, bên cạnh triển vọng kinh tế tốt hơn và việc Chính phủ tiếp tục giảm một số loại thuế, trong đó có thuế GTGT, trong nửa đầu năm.
Đầu tư công ở Việt Nam vẫn ở mức khoảng 6% GDP - nằm trong số những quốc gia chi tiêu nhiều nhất ở ASEAN (Indonesia [3%], Ấn Độ [4%] và Trung Quốc [5%]). Với việc ghi nhận mức tăng trưởng giải ngân tương đối cao (22.8% svck), đặc biệt trong giai đoạn cuối của năm tài khóa, có thể kỳ vọng sẽ tạo ra đóng góp vào tăng trưởng GDP của năm 2024.
Điểm mới của kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2024 có thể sẽ đến từ việc triển khai Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội nhằm hỗ trợ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực trong ba năm – với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, ví dụ như giúp các nhà thầu tiếp cận dễ dàng hơn mỏ đất/đá phục vụ xây dựng đường cao tốc.
VNIndex sẽ có bước nhảy vọt nhờ dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân
Về mặt dòng tiền, SSI nhận định lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế (giá vàng đã tăng đáng kể, trong khi ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều thời gian để hồi phục).
Dòng vốn này có thể quay lại thị trường chứng khoán trong các giai đoạn của năm 2024. Do nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 92,2% khối lượng giao dịch trung bình ngày toàn thị trường năm 2023, SSI dự đoán VNIndex sẽ có một số bước nhảy vọt trong năm 2024 nhờ dòng vốn này.
Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đã có một năm rút ròng trong năm 2023, SSI cho rằng xu hướng này sẽ đảo chiều trong năm 2024 theo sau động thái hạ dần lãi suất của FED và cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong 2024-2025.
Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market) từ mức thị trường cận biên (frontier market) hiện nay là sự kiện nhà đầu tư đã mong chờ từ lâu. Mặc dù dòng vốn vào của nhà đầu tư nước ngoài có thể chưa hồi phục ngay lập tức nhưng ít nhất SSI kỳ vọng áp lực bán của khối ngoại sẽ không còn mạnh mẽ như năm trước. Sự kiện nâng hạng thị trường nếu xảy ra cũng sẽ mang đến những ảnh hưởng tích cực lên bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2024.
Tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 của 83 cổ phiếu trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research ước tính đạt 15,3% so với cùng kỳ so với mức giảm 5,6% so với cùng kỳ của năm trước.
Mặc dù tăng trưởng 2024 không phải quá mạnh mẽ, SSI kỳ vọng một số ngành sẽ phục hồi đáng kể (tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức lớn hơn 30% so với cùng kỳ), bao gồm Thép, Bán lẻ và Chứng khoán nổi bật so với các ngành khác.
Bên cạnh đó, SSI cũng có quan điểm tích cực về ngành công nghệ thông tin và bất động sản khu công nghiệp dựa trên tiềm năng tăng trưởng dài hạn. PE 2024 của thị trường ở mức 10,6 lần tại ngày 6-2-2024.