Lãi suất tiền gửi nhà băng nơi 'nóng', nơi 'lạnh'

Vài tuần trở lại đây, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Đơn cử như tại ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn 1 tháng được điều chỉnh tăng 0,05%/năm lên mức 3,4%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,15%/năm lên 3,5%/năm và 3 tháng tăng 0,2% lên mức 3,7%/năm. Đối với các kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng cũng được SHB điều chỉnh tăng 0,15%/năm lên quy định cùng mức là 3,8%/năm.

Tương tự, Sacombank tăng 0,1 - 0,2 %/năm đối với nhiều kỳ hạn. Khách hàng gửi tiết kiệm trực tiếp tại quầy, chọn kỳ hạn 2 tháng sẽ có mức lãi suất là 3,5%/năm, 0,2%/năm so với biểu lãi suất trước đó. Mức tăng này cũng được áp dụng cho kỳ hạn từ 3-5 tháng với mức lãi suất là 3,6%/năm. Trong khi đó, mức tăng 0,1%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12, 24 và 36 tháng với mức lãi suất lần lượt là 5,7%/năm; 5,7%/năm và 6,4%/năm.

Trong khi đó, Techombank lại điều chỉnh giảm lãi suất lần thứ 2 liên tiếp kể từ tháng tư. Hiện kỳ hạn 1 – 2 tháng đang áp dụng mức lãi suất là 2,45%/năm, giảm 0,1%/năm so với tháng 4. Tháng trước nhà băng này cũng điều chỉnh giảm 0,1 – 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1-5 tháng. 

Theo khảo sát của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) từ ngày 21-5 đến 28-5, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với mức tăng lần lượt là 0,21%; 0,28% và 0,2% lên mức 1,42%; 1,67% và 1,69%/năm. 

Lãi suất liên ngân hàng của cả 3 kỳ hạn trên tiếp tục duy trì trên mức trung bình của năm 2020 (trong khoảng 0,84%-1,14%/năm nhưng vẫn đang thấp hơn mức trung bình của thời điểm trước dịch COVID-19, trên 3% trong năm 2019). 

Các chuyên gia phân tích thị trường của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng: Tín dụng tăng tương đối nhanh trong thời gian vừa qua có thể đã làm giảm bớt thanh khoản thị trường ngân hàng, góp phần làm lãi suất liên ngân hàng tăng liên tục trong các tuần gần đây.

Theo tổng hợp của BVSC, lãi suất huy động trung bình có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 05/2021. Tuy nhiên, 2 kỳ hạn này chứng kiến những xu hướng khác nhau giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm Ngân hàng quốc doanh tiếp tục không thay đổi lãi suất tiết kiệm với 2 kỳ hạn trên trong 3 tháng qua trung bình lần lượt ở mức 3,725 và 5%/năm. Trong khi đó, nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỉ đồng điều chỉnh lãi suất giảm nhẹ, lần lượt là 0,009 điểm phần trăm và 0,005 điểm phần trăm, xuống mức trung bình 4,695% và 5,53%/năm. 

Ngược lại, nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỉ đồng chứng kiến mức tăng lãi suất tiết kiệm lần lượt là 0,02 điểm phần trăm cho kỳ hạn 6 tháng và 0,01 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 12 tháng, lên mức 5,4% và 6,02%. 

Theo ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính: Lãi suất huy động đang tăng trở lại nhưng không diễn ra trên diện rộng. Nguyên nhân khiến lãi suất tiền gửi tăng trở lại có một phần do huy động vốn của các tổ chức tín dụng đang chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản... cũng "ấm" trở lại, nên các ngân hàng phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng.

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 16-4-2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020, vượt xa so với trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới đạt 0,54% tính tới ngày 19-3-2021.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cũng cho biết tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng 3%, vượt xa tốc độ tăng trưởng huy động, khi chỉ tăng ở mức 0,65%.

Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ không còn dư thừa nhiều như trong năm 2020. Do đó, lãi suất huy động được dự báo có thể sẽ có diễn biến tăng nhẹ trở lại về phía cuối năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm