Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng mạnh

(PLO)- Từ đầu năm đến giờ, lãi suất tiền gửi tăng khoảng 4%/năm ở nhiều kỳ hạn và cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm giữa các ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-11, biểu lãi suất tiết kiệm tại VPBank vừa được cập nhật với biên độ tăng dao động từ 0,7 – 1,1%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, đối với khách hàng gửi tại quầy, số tiền gửi dưới 10 tỉ đồng sẽ được nhận mức lãi suất cuối kỳ là 8,7%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng; gửi online sẽ được nhận mức lãi suất là 8,8%/năm.

Cùng với hạn mức tiền gửi dưới 10 tỉ đồng nhưng chọn kỳ hạn 12 tháng, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi là 9,1%//năm (gửi tại quầy) và 9,2%/năm (gửi online).

Từ kỳ hạn 18 đến 36 tháng, VPBank áp dụng mức lãi suất 9,2%/năm cho hình thức gửi tại quầy và 9,3%/năm cho hình thức gửi tiết kiệm online.

So với biểu lãi suất đầu tháng 11 thì mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 6 - 36 tháng mà VPBank vừa công bố cao hơn từ 0,7 -1,1%/năm. Riêng các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng vẫn giữ nguyên lãi suất tối đa theo quy định là 6%/năm.

Vài ngày trước, hôm 17-11, ngân hàng Sacombank cũng đã công bố biểu lãi suất mới với biên độ tăng lên tới 1,5%/năm so với mức lãi suất trước.

Theo đó, mức lãi suất tiền gửi tại quầy của các kỳ hạn từ 6 – 11 tháng của Sacombank dao động từ 8,3 – 8,8%/năm, cao hơn từ 1,2 - 1,55%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng được nhà băng này niêm yết ở mức 8,9%/năm cao hơn 1,6%/năm so với trước.

Từ 15 – 36 tháng được ngân hàng Sacombank áp dụng mức lãi suất là 9%/năm, trong khi hồi đầu tháng 11 thì mức lãi suất các kỳ hạn này chỉ có là 7,4 – 7,5%/năm mà thôi. Đối với hình thức gửi tiết kiệm online sẽ được cao hơn so với lãi suất tại quầy là 0,2%/năm.

Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã được điều chỉnh tăng nhiều lần với tổng mức lãi suất tăng thêm đạt khoảng 3,3 – 4%/năm tùy từng ngân hàng

Cuộc đua lãi suất tiền gửi vẫn “nóng hầm hập” trong bối cảnh tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 10 vừa qua, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Trong khi đó tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm