Lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ còn tăng?

(PLO)- Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm dự kiến sẽ tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay trong bối cảnh tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 22-11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã tăng 11,12% so với cuối năm 2023.

Chỉ sau hơn hai tuần, tức là đến ngày 7-12, tăng trưởng tín dụng đã bật lên mức 12,5%. Tổng dư nợ của toàn nền kinh tế là 15,3 triệu tỉ đồng, huy động vốn đạt 14,8 triệu tỉ đồng và tốc độ tăng của dư nợ đang cao hơn huy động vốn.

Video: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ còn tăng?

Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm dự kiến sẽ tiếp tục

Ngày 9-12, Ngân hàng Đông Á điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,2%/năm đối với một số kỳ hạn ngắn và cũng là ngân hàng đang có mức lãi suất cao nhất toàn hệ thống tại kỳ hạn 6 tháng.

Còn theo thống kê của Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM, trong 4 tuần qua (từ 11-11 đến 6-12), ghi nhận có 18/36 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất và 6 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, 3 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất ở một số kỳ hạn.

Trong đó, SeABank là ngân hàng có biên độ tăng lãi suất tiết kiệm cao nhất, lên đến 0,85%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy, lên 4,6%/năm. Kỳ hạn 9 tháng được ngân hàng này tăng thêm 0,79%/năm, lên mức 4,74%/năm. Kỳ hạn 3 tháng được tăng thêm 0,65%/năm lên mức 4,1%/năm. Hiện mức cao nhất ở ngân hàng này là 5,75%/năm kỳ hạn 24-36 tháng tại quầy, với hình thức gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ.

Cùng xu hướng điều chỉnh tăng, song các ngân hàng khác hầu hết tăng nhẹ lãi suất với chỉ từ 0,1-0,3%/năm, đối với cả hình thức gửi tại quầy và gửi trực tuyến.

Ở nhóm Big 4, chỉ có duy nhất Agribank ra nhập cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm, với biên độ tăng thêm là 0,5%/năm dành cho các kỳ hạn từ 1-9 tháng, qua đó nâng lãi suất tiết kiệm của các kỳ hạn này dao động từ 2,2-3,5%/năm. Trong khi 3 “ông lớn” còn lại, lãi suất các kỳ hạn này vẫn giữ nguyên ở mức từ 1,9 – 3%/năm. Sau khi điều chỉnh tăng, mức cao nhất tại Agribank là 4,8%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng tại quầy.

Ở chiều ngược lại, có 6 ngân hàng giảm nhẹ lãi suất với mức chỉ 0,1%/năm ở một số kỳ hạn, tại quầy và online, gồm: BacABank, Indovina Bank, BaoVietBank, NCB, Nam A Bank, ABBank. 3 ngân hàng đồng thời tăng và giảm lãi suất ở một số kỳ hạn gồm Indovina Bank, BaoVietBank và NCB.

Xét trên toàn hệ thống, lãi suất cao nhất tại kỳ hạn 6 tháng đang thuộc về DongABank với mức lãi suất lên đến 5,7%/năm cho cả hình thức gửi tại quầy lẫn online. Lãi suất cao nhất của kỳ hạn 9 tháng là 5,9%/năm tại GPBank cho khách hàng gửi online. Tương tự, GPBank cũng là ngân hàng ghi nhận mức lãi suất cao nhất của kỳ hạn 12 tháng, 6,25%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn giữ ổn định. Ảnh: T.L

Khó giảm lãi suất cho vay

Trong Công điện số 122/2024 mới đây, Thủ tướng yêu cầu NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng.

Ngay sau đó, NHNN đã ban hành công văn số 9774/2024 gửi các tổ chức tín dụng. Trong đó NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay,... để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Chia sẻ với PLO về khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng: Hiện mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng nhẹ và theo tôi đánh giá thì mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giữ nguyên ở mức này, thậm chí có thể nhích lên trong giai đoạn cuối năm.

Bởi chúng ta biết rằng, các ngân hàng đang nỗ lực cho vay để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Và để có nguồn cho vay thì bắt buộc các ngân hàng phải huy động và với việc tốc độ tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng thì việc tăng lãi suất tiết kiệm là điều đương nhiên.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy rằng để hỗ trợ các ngân hàng thương mại giữ ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay thì NHNN bắt buộc phải bơm tiền với mục đích chính là cung cấp thanh khoản. Qua đó, tránh ngân hàng bị rơi vào tình trạng căng thẳng thanh khoản và phải đẩy lãi suất tiết kiệm lên cao. Nhưng nếu bơm tiền nhiều sẽ gây áp lực lên tỉ giá USD/VND, nhất là trong giai đoạn cuối năm này, và như thế NHNN cũng sẽ phải hạn chế tăng cung tiền trên thị trường liên ngân hàng.

"Do đó, điều hành tỉ giá và lãi suất là bài toán tổng thể, điều này rất khó và phải chấp nhận đánh đổi. Nhưng tôi cho rằng NHNN nên ưu tiên việc ổn định tỉ giá, bởi ổn định tỉ giá sẽ giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, chúng ta nên chấp nhận một mức lãi suất nhích lên và mức lãi suất trong giai đoạn hiện nay vẫn ở mức chấp nhận được đối với các doanh nghiệp”, PGS.TS Huân phân tích.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ do Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố cho rằng, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm được dự kiến sẽ được tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn.

Tín dụng tăng nhanh hơn so tốc độ huy động vốn, cộng thêm với nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây là những yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, giúp đảm bảo thanh khoản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới