Lại tiếp tục cực thân với giấy mới

Khi mua bán, tặng cho..., thay vì được sang tên trên trang sau của giấy theo các quy định cũ, người nhận chuyển nhượng buộc phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy mới. Thực tế, nếu việc sang tên trên GCN chỉ mất khoảng bảy ngày thì việc xin cấp giấy mới sẽ kéo dài ít nhất 15 ngày với không ít nhiêu khê.

Nghị định 60 năm 1994 cho phép người mua được sang tên ngay trên giấy hồng. Luật Đất đai năm 2003 cũng có quy định tương tự đối với giấy đỏ. Nhưng Luật Nhà ở năm 2005 và Nghị định 90 năm 2006 buộc mỗi lần chuyển dịch, người dân phải nhọc công đi xin cấp giấy mới. Chính vì những vất vả không đáng có như thế mà cả người dân lẫn cơ quan cấp giấy đều mong mỏi sớm có sự thay đổi.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản vẫn tiếp tục quy định: “Khi chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì người nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được cấp GCN theo quy định của luật này”. Điều luật này không phân biệt nhà, đất đem chuyển nhượng có giấy cũ hay giấy mới. Vậy nên Thông tư 17 ngày 21-10-2009 của Bộ TNMT mới yêu cầu các trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng toàn bộ hoặc một phần thửa đất, tài sản gắn liền với đất bằng giấy mới phải xin cấp giấy mới mang tên mình.

Trước đây, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên có nói mẫu giấy mới giống như một quyển sổ ghi những biến động về đất đai, tài sản trên đất. Khi đó nhiều người vẫn nghĩ sổ đó tựa như bằng khoán điền thổ thời trước, gồm có nhiều trang, trong đó có các trang trống để ghi chú, cập nhật tất cả biến động phát sinh.

Như vậy, chỉ với một chứng thư mà các chủ sở hữu vẫn có thể sử dụng lâu dài. Các cơ quan có điều kiện quản lý chặt chẽ lý lịch của từng bất động sản mà cụ thể là nắm được quá trình chuyển dịch, mua, bán, tăng, giảm diện tích..., người dân khỏi mất công làm đi làm lại nhiều lần. Nhưng rất tiếc là giấy mới đã không làm như vậy.

Theo ông Phùng Văn Nghệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, quy định như thế để đáp ứng nguyện vọng của dân muốn được đứng tên riêng trên giấy. Nhưng cơ sở nào để tin rằng đó là sự thực bởi chắc chắn người dân sẽ lại tiếp tục cực thân mỗi khi muốn chuyển nhượng nhà, đất?

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm