Sau đó, tôi muốn chuyển địa điểm kinh doanh ra một căn nhà gần chợ Cát Bà để thuận tiện hơn. Tôi nhiều lần lên Phòng Tài chính - Kế hoạch của UBND huyện Cát Hải xin phép nhưng cán bộ trả lời “Lãnh đạo huyện chỉ đạo chỗ đó không cho phép cấp đăng ký kinh doanh”. Tôi thấy không thỏa đáng vì tôi bán thịt heo có dấu kiểm định của thú y, địa điểm tôi bán hàng không có vấn đề gì cần lưu ý, nhiều hộ khác vẫn bán bình thường mà tại sao không cấp phép cho tôi?”.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cát Hải giải thích: “Chỗ bán hàng của nhà bà Dinh không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà Dinh bán ở một địa điểm quá thuận lợi khiến các hộ kinh doanh thịt heo khác trong chợ không bán được nên họ có đơn đề nghị thị trấn không cho bà Dinh bán hàng tại địa điểm hiện tại. UBND TP cũng có kế hoạch quy hoạch lại chỗ bán hàng ở chợ nên phòng mới giải quyết như vậy”.
Khi chúng tôi đề nghị cung cấp biên bản buổi kiểm tra của cơ quan chức năng chứng minh cơ sở của bà Dinh không đủ điều kiện về vệ sinh, đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cát Hải cho rằng do người dân trong khu vực nắm được tình hình nên không cần biên bản, chỉ nhận xét miệng (!?). Chúng tôi đề nghị xem bản quy hoạch mới của chợ Cát Bà nhưng vị này cho hay “đó là bản quy hoạch sắp ra đời”.
Sau khi nghe PV phản ánh về cách lý giải trên, ông Trần Quang Thống, Chánh Văn phòng UBND huyện Cát Hải, nói: “Chúng tôi sẽ góp ý với Phòng Tài chính - Kế hoạch về việc này. Người dân nếu sai phải có biên bản xử lý rõ ràng chứ không thể nói miệng với nhau. Nếu người dân chưa đủ thủ tục để đăng ký kinh doanh thì cán bộ phải hướng dẫn để họ hoàn thiện thủ tục. Cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân kinh doanh phù hợp”.