Làm cầu Mã Đà và đường nối Đồng Nai – Bình Phước: 20 năm cân nhắc

Làm cầu Mã Đà và đường nối Đồng Nai – Bình Phước: 20 năm cân nhắc

(PLO)-  Ý tưởng xây cầu Mã Đà và đường kết nối giữa hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai đã có từ 20 năm trước, tuy nhiên tỉnh Đồng Nai đã cương quyết từ chối bởi dự án sẽ đi xuyên Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ý tưởng làm cầu Đà Đà và đường nối Đồng Nai – Bình Phước đã được hình thành từ 20 năm trước. Cụ thể, từ năm 2002, UBND tỉnh Đồng Nai đã khảo sát, lập dự án xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang nối hai tỉnh Đồng Nai - Bình Phước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hồ sơ dự án, xét thấy lưu lượng xe trên tuyến đường chưa nhiều, trong khi cầu Mã Đà có mức vốn đầu tư lớn nên Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai chưa đầu tư thực hiện.

Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và đường nối nói trên sẽ ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Khu dự trữ gồm ba vùng lõi là Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa Trị An.

Sơ đồ đường ĐT.753 từ TP Đồng Xoài tới sông Mã Đà dài khoảng 30 km. Đồ họa VÕ NGUYÊN

Sơ đồ đường ĐT.753 từ TP Đồng Xoài tới sông Mã Đà dài khoảng 30 km. Đồ họa VÕ NGUYÊN

Năm 2013, tỉnh Bình Phước làm đường ĐT.753 từ TP Đồng Xoài tới sông Mã Đà dài khoảng 30 km. Khi thực hiện xong dự án này, Sở GTVT Bình Phước gửi Sở GTVT Đồng Nai công văn đề nghị phối hợp để triển khai làm cầu Mã Đà.

Thời điểm đó, Đồng Nai trả lời chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể Dự án Đầu tư phát triển Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Đồng thời, việc thực hiện dự án có thể làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ diện tích rừng hiện hữu, khả năng sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm.

Động vật trong khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Ảnh Khu bảo tồn cung cấp.

Động vật trong khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Ảnh Khu bảo tồn cung cấp.

Ngày 17-8-2016, Bộ GTVT ban hành Thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT, trong đó có nội dung giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Phước và Đồng Nai khảo sát, làm việc cụ thể để thống nhất vị trí, hướng tuyến, phương án xây dựng cầu Mã Đà.

Phương án thực hiện phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chung của vùng Đông Nam bộ.

Ngày 20-9-2016, Sở GTVT Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Sở GTVT Bình Phước; Sở Xây dựng Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai; Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai; UBND huyện Vĩnh Cửu. Cuộc họp đi đến kết luận việc đầu tư xây dựng cầu Mã Đà không khả thi và không phù hợp với quy hoạch tổng thể Dự án Đầu tư phát triển Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai.

Vì vậy, năm 2017, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo đình chỉ hoạt động của các phương tiện, thiết bị vận chuyển hành khách và hàng hóa tại bến đò ngang sông Mã Đà (xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú) để hạn chế việc đi lại của người dân, làm ảnh hưởng công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động, thực vật quý hiếm.

Một chú bò tót ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Ảnh VŨ HỘI.

Một chú bò tót ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Ảnh VŨ HỘI.

Tuy nhiên, cuối tháng 3-2022, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xây dựng cầu Mã Đà và đường kết nối với tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, tuyến đường ĐT.753 sẽ kết nối với đường Bà Hào - sân bay Rang Rang - đường ĐT.761, sau đó nâng cấp thành quốc lộ 13C, đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai, đến quốc lộ 1 (thuộc huyện Trảng Bom, Đồng Nai).

Với kiến nghị của tỉnh Bình Phước, trước khi có quyết định cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT làm việc với các bộ, ngành liên quan và chính quyền các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai để thống nhất phương án phù hợp.

Sơ đồ tuyến đường ĐT.753 kết nối với đường Bà Hào - sân bay Rang Rang và ĐT.761. Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Sơ đồ tuyến đường ĐT.753 kết nối với đường Bà Hào - sân bay Rang Rang và ĐT.761. Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Sơ đồ toàn tuyến quốc lộ 13C từ TP Đồng Xoài tới Quốc Lộ 1A (xuyên lõi Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai). Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Sơ đồ toàn tuyến quốc lộ 13C từ TP Đồng Xoài tới Quốc Lộ 1A (xuyên lõi Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai). Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước, cầu Mã Đà dự kiến có chiều rộng mặt cầu 11 m, dài 90 m, bắc qua sông Mã Đà. Công trình nằm trong dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường tỉnh ĐT.753, quy mô cấp III với tổng mức đầu tư là 655 tỉ đồng.

Sau khi tỉnh Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà và làm đường xuyên lõi Khu bảo tồn để kết nối quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Trảng Bom), nhiều ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia tỏ ra lo ngại vì sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tự nhiên. Từ nhiều năm nay, Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hoá Đồng Nai được xác định là tài sản vô giá của tỉnh Đồng Nai, khu vực miền Đông Nam bộ và của cả nước.

Một góc rừng của Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Ảnh VŨ HỘI

Một góc rừng của Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Ảnh VŨ HỘI

Theo đó, ngày 12-4, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã có cuộc họp nhanh với lãnh đạo Khu bảo tồn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai cùng các chuyên gia, nhà khoa học để lấy ý kiến về đề xuất của tỉnh Bình Phước.

Đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho rằng: Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai và Khu dự trữ sinh sinh quyền thế giới Đồng Nai thuộc nhóm di sản về đa dạng sinh học cao, di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt. Các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên. Thậm chí, môi trường đất, môi trường nước trong di sản thiên bị ô nhiễm, suy thoái phải được cải tạo, phục hồi.

Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết sẽ xây dựng các báo cáo, thủ tục để kiến nghị cấp có thẩm quyền không phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường 13C đi qua vùng lõi Khu bảo tồn để nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất cách mạng Chiến khu D.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, nhận định: Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng cầu Mã Đà giáp ranh hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai là chưa phù hợp với đề án bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

“Việc xây dựng cầu Mã Đà làm tuyến đường gần 40 km đi xuyên qua vùng lõi rừng đặc dụng khu bảo tồn sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý hiếm, đi ngược lại định hướng chung bảo vệ khu bảo tồn. Ngoài ra, trong Khu bảo tồn có ba di tích lịch sử cấp quốc gia nên việc xây dựng cầu Mã Đà và đường xuyên Khu bảo tồn sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng” - ông Nguyễn Hoàng Hảo

Còn GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam), nhận định việc làm đường và cầu Mã Đà nối Bình Phước và Đồng Nai là cần thiết bởi dự án góp phần liên kết vùng và hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dự án lại xuyên lõi Khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất Đông Nam bộ thì đây lại là biểu hiện của câu chuyện mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.

Vậy cần đặt vấn đề nếu ta rút ngắn được đoạn đường 60 km đến sân bay Long Thành mà phải hy sinh vùng lõi của Khu bảo tồn có giá trị được thế giới công nhận thì có nên không? Để có được một vùng lõi đa dạng sinh học, nhiều loài thú quý hiếm, đặc hữu thì nhân loại cần hàng ngàn năm, thậm chí hàng triệu năm mới có được. Tại sao không dùng làm đường vòng để vừa tránh ảnh hưởng vùng lõi khu bảo tồn vừa phát triển kinh tế?" - GS.TS Nguyễn Hoàng Trí.

Với tư cách là người đứng đầu Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, ông Đoàn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp) cũng bày tỏ quan điểm phản đối việc thực hiện dự án cầu Mã Đà và đường xuyên Khu bảo tồn.

“Nếu được bỏ phiếu về đề xuất xây dựng cầu, đường xuyên Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai tôi sẽ bỏ phiếu: Không đồng ý” - ông Đoàn Hoàng Nam.

Theo ông Đoàn Hoàng Nam, Khu bảo tồn không chỉ có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao của khu vực và quốc tế với loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là loài thú lớn như voi Châu Á và bò tót…mà còn là Khu di tích lịch sử Chiến khu D (Xếp hạng khu di tích quốc gia).

Nếu dự án cầu Mã Đà và đường xuyên Khu bảo tồn được thực hiện sẽ làm ảnh hưởng rất xấu đến quy luật, tập tính tự nhiên và môi trường sống của các loài động vật tại đây. Đồng thời, lưu lượng người qua lại tăng sẽ tạo nguy cơ rất cao về cháy rừng và khai thác, săn bắt động vật rừng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thời gian qua dư luận quan tâm, ngày 22-4, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai, Bình Phước… về phương án đầu tư tuyến đường ĐT.753 (nâng cấp thành quốc lộ 13C) và xây dựng cầu Mã Đà nối tỉnh Bình Phước với Đồng Nai.

Tại cuộc họp, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (đơn vị nghiên cứu) cho biết: Hướng tuyến quốc lộ 13C qua sông Mã Đà cần xây dựng cầu Mã Đà và mở rộng đường Bà Hào - sân bay Rang Rang, kết nối quốc lộ 1. Tuy nhiên, hướng tuyến này đi qua Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai bao gồm ba vùng lõi là Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa Trị An.

Như vậy, cần có đánh giá, lựa chọn hướng tuyến cụ thể, đảm bảo các yêu cầu quy hoạch, đặc biệt là về môi trường và bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, di sản văn hóa. Do đó, đơn vị tư vấn đã dự thảo các phương án sau:

Phương án 1, tuyến qua cầu Mã Đà và đi qua vùng lõi khu bảo tồn, thuận tiện kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, phương án này có 31 km đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, ảnh hưởng đến môi trường, Khu bảo tồn.

Trường hợp xây dựng tuyến đường này thủ tục rất phức tạp, quy mô không thể mở quá lớn do ảnh hưởng đến khu di tích sinh quyển nên có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải và phải xây dựng các công trình cầu cạn, hầm chui cho động vật qua lại, hàng rào, tường chống ồn…nên chi phí xây dựng rất lớn (lớn nhất trong các phương án).

Sơ đồ phương án 1, tuyến đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (đường màu đỏ). Đồ họa: VÕ NGUYÊN

Sơ đồ phương án 1, tuyến đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (đường màu đỏ). Đồ họa: VÕ NGUYÊN

Phương án 2, tuyến qua vùng đệm, vào đường vành đai 4 sẽ kết nối từ Bình Phước đến quốc lộ 1A thuận tiện. Về lâu dài, thời gian di chuyển của các phương tiện sẽ nhanh do tận dụng đường vành đai 4. Chiều dài đoạn xây dựng mới khoảng 37 km, tận dụng được 30 km đường ĐT.753 đã được đầu tư xây dựng, ít ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển, chi phí xây dựng thấp hơn.

Tuy nhiên, tuyến này chỉ đi qua Bình Dương, không kết nối trực tiếp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước. Phương án này tỉnh Đồng Nai đồng thuận vì đây là phương án tối ưu nhất để kết nối với sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.

Sơ đồ phương án 2, tuyến qua vùng đệm và kết nối vào đường Vành đai 4 (đường màu xanh lá). Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Sơ đồ phương án 2, tuyến qua vùng đệm và kết nối vào đường Vành đai 4 (đường màu xanh lá). Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Phương án 3: Tuyến đi từ TP Đồng Xoài, theo ĐT.753, mở tuyến mới về phía phải đến ranh với tỉnh Bình Dương, dài khoảng 10 km. Sau đó tiếp tục mở mới đến ĐH.416 (dài khoảng 12 km), đi theo ĐH.416 khoảng 6 km, đến QL56B (theo quy hoạch) cắt ngang hạ lưu đập thủy điện Trị An (phải xây cầu Hiếu Liêm) nối vào ĐT.768 và đến ĐT.767, đến đây chia làm hai phương án nhỏ:

3.1. Tuyến đi theo ĐT.762 và kết nối vào QL1

Tuy nhiên, đường kết nối với quốc lộ 1 hiện nay hai bên đường dân cư đông, hoạt động như đường đô thị nên khó mở rộng hoặc kinh phí mở rộng lớn.

Sơ đồ phương án 3.1, tuyến đi theo ĐT.762 và kết nối vào QL1 (đường màu xanh lá). Đồ hoạ VÕ NGUYÊN

Sơ đồ phương án 3.1, tuyến đi theo ĐT.762 và kết nối vào QL1 (đường màu xanh lá).

Đồ hoạ VÕ NGUYÊN

Phương án 3.2, xây dựng tuyến qua vùng đệm quốc lộ 56B (theo quy hoạch) và kết nối quốc lộ 20 sẽ đáp ứng tốt nhu cầu vận tải. Tuyến này vẫn tận dụng được 30 km ĐT.753 đã đầu tư, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường và kết nối đến sân bay Long Thành, cảng Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sơ đồ phương án 3.2, Tuyến đi theo QL56B quy hoạch kết nối vào QL20 (đường màu xanh lá). Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Sơ đồ phương án 3.2, Tuyến đi theo QL56B quy hoạch kết nối vào QL20 (đường màu xanh lá).

Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Phương án 4: Đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và đường Bà Hào – sân bay Rang Rang sau đó kết nối với đường ven hồ Trị An (đoạn dài 17 km) nhưng chỉ phục vụ cho khách tham quan, du lịch. Còn việc vận tải hàng hóa và hành khách từ Đồng Xoài đi theo ĐT.753 và đi theo phương án qua vùng đệm của phương án 2 hoặc phương án 3.1 hoặc 3.2 để kết nối đến sân bay Long Thành và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu

Sơ đồ phương án 4: Tuyến qua vùng lõi phục vụ du lịch, tuyến qua vùng đệm phục vụ vận tải (đường màu xanh dương). Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Sơ đồ phương án 4: Tuyến qua vùng lõi phục vụ du lịch, tuyến qua vùng đệm phục vụ vận tải (đường màu xanh dương). Đồ hoạ: VÕ NGUYÊN

Cũng tại cuộc họp với Bộ GTVT ngày 22-4, ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nhận định: Việc hình thành tuyến đường ĐT.753 rất quan trọng đối với tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Vì nếu hình thành tuyến đường sẽ dễ dàng cho việc kết nối với sân bay Long Thành và cảng Cải Mép - Thị Vải, đáp ứng được nhu cầu vận tải liên vùng.

Tuy nhiên, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng Khu dự trữ sinh quyển thế giới có các vùng lõi quan trọng. Từ năm 1997 tỉnh Đồng Nai quyết định đóng cửa rừng để bảo tồn sinh quyển và tiến hành di dời dân ra khỏi rừng. Vì vậy Đồng Nai quyết không đồng ý việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường qua khu vùng lõi để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Đoàn Kiểm lâm của tỉnh Đồng Nai kiểm tra tình trạng của cây trong Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Ảnh VŨ HỘI.

Đoàn Kiểm lâm của tỉnh Đồng Nai kiểm tra tình trạng của cây trong Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai. Ảnh VŨ HỘI.

Trong cuộc họp với Bộ GTVT, các bộ, ngành đều ghi nhận nỗ lực của Đồng Nai trong công tác bảo vệ rừng và các giá trị văn hóa lịch sử tại Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai.

Trong cuộc họp với Bộ GTVT, các bộ, ngành đều ghi nhận nỗ lực của Đồng Nai trong công tác bảo vệ rừng và các giá trị văn hóa lịch sử tại Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai.

Tỉnh Đồng Nai đề xuất phương án 2 của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, tức tuyến qua vùng đệm, kết nối vào đường vành đai 4. “Đây là phương án tối ưu nhất để kết nối với sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải” - lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho hay.

Trong cuộc họp, Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng: Hướng tuyến được chọn phải hài hòa được giữa bảo tồn và phát triển. Vùng lõi phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo đúng quy định của pháp luật (chỉ cho phép làm đường mòn để phát triển du lịch).

Đại diện bộ này cũng đánh giá tỉnh Đồng Nai đã giữ rừng rất tốt từ trước đến nay và đã được thế giới đánh giá cao. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị xem xét Phương án 2 sẽ phù hợp và đễ dàng đồng thuận hơn Phương án 1.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện các bộ, ngành, tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại để Bộ GTVT tổng hợp ý kiến báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm