Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ:

'Tôi không đồng ý xây dựng cầu Mã Đà'

(PLO)- "Nếu được bỏ phiếu về đề xuất xây cầu Mã Đà và đường xuyên Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai, tôi sẽ bỏ phiếu: Không đồng ý" - ông Đoàn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCMđăng nhiều bài viết nêu những ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực rừng và động vật quý hiếm khi tỉnh Bình Phước đề xuất Thủ tướng Chính phủ về dự án xây dựng cầu Mã Đà nối Đồng Nai và mở tuyến đường quốc lộ 13C xuyên lõi Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Hầu hết các ý kiến đều đều tỏ ra lo ngại và không đồng ý vì sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đặc dụng hiện hữu. Đồng thời, ảnh hưởng đến các loài động vật quý hiếm, làm suy thoái môi trường, sẽ tạo tiền lệ xấu trong cộng đồng Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Ông Đoàn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).

Ông Đoàn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).

Về vấn đề trên, báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi thêm với ông Đoàn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).

PV: Thưa ông, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có giá trị và tầm quan trọng như thế nào đối với khu vực Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung?

+ Ông Đoàn Hoài Nam: Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai được Tổ chức UNESCO công nhận vào ngày 10-11-2001 và công nhận lại ngày 29-6-2011. Khu vực này còn sót lại diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng ở khu vực Đông Nam bộ và miền Nam nước ta.

Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai không chỉ có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao của khu vực và quốc tế với hơn 3.370 loài động, thực vật, trong đó có 102 loài đặc hữu và hàng trăm loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là loài thú lớn như Voi Châu Á và Bò tót…mà còn là Khu di tích lịch sử Chiến khu D (Xếp hạng khu di tích quốc gia).

Ngoài ra, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có ý nghĩa phòng hộ, bảo vệ nguồn nước cho hồ Trị An, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho cộng đồng người dân địa phương, và là lá phổi xanh của vùng Đông Nam Bộ. Khu bảo tồn còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu.

. Việc xây dựng cầu Mã Đà và làm đường quốc lộ 13C sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai?

+ Nếu xây dựng cầu Mã Đà và làm đường quốc lộ 13C xuyên qua vùng lõi Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai sẽ phá vỡ căn bản các hệ sinh thái tự nhiên của khu rừng, gây chia cắt sinh cảnh sống của động vật.

Cùng với việc tăng lưu lượng, mật độ qua lại trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên sẽ gây ra ô nhiễm môi trường (tiếng ồn của âm thanh, ánh sáng, chất thải ô nhiễm không khí, chất thải rắn,….) làm ảnh hưởng rất xấu đến quy luật, tập tính tự nhiên và môi trường sống của các loài động vật rừng, nhất là những loài thú lớn có phạm vi hoạt động rộng như voi Châu Á, Bò Tót, Nai... Điều này cũng sẽ làm biến đổi nguồn gen quí hiếm mà cả thế giới đang nỗ lực bảo vệ, gìn giữ.

Ngoài ra, với lưu lượng người qua lại tăng sẽ tạo nguy cơ rất cao về cháy rừng và khai thác, săn bắt động vật rừng.

Các ý kiến đều không đồng ý mở đường xuyên lõi Khu bảo tồn, vì lo ảnh hưởng đến động vật quý hiếm đang được bảo tồn tại đây. Ảnh: VH

Các ý kiến đều không đồng ý mở đường xuyên lõi Khu bảo tồn, vì lo ảnh hưởng đến động vật quý hiếm đang được bảo tồn tại đây. Ảnh: VH

. Các giá trị lịch sử văn hóa, khu di tích sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu xây cầu Mã Đà và làm đường qua Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai?

+ Trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, Trung ương đã chọn nơi đây làm căn cứ địa kháng chiến, chứng tỏ là hậu cứ chiến lược và có vị trí rất quan trọng trong an ninh quốc phòng. Di tích lịch sử này mang một ý nghĩa rất quan trọng cho giáo dục truyền thống của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngoài ra, chính trong Khu bảo tồn thiên nhiên này đang là nơi an nghỉ của hàng ngàn anh hùng liệt sỹ, hãy để cho các anh hùng được yên giấc ngàn thu.

. Với tư cách là người đứng đầu Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, ông có ý kiến gì về đề xuất tỉnh Bình Phước?

+ Nếu được bỏ phiếu về đề xuất xây dựng cầu, đường xuyên Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai tôi sẽ bỏ phiếu: “Không đồng ý”.

Vì việc xây dựng cầu Mã Đà và làm đường quốc lộ 13C xuyên qua vùng lõi Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, cần phải tham vấn, lấy ý kiến một cách đầy đủ, chính xác của các nhà khoa học về lâm nghiệp, về môi trường và những nhà kinh tế học. Đồng thời, phải lượng hóa chính xác tổn thất của những ảnh hưởng đến về môi trường và đa dạng sinh học của việc xây dựng cầu Mã Đà và làm đường, để có được cái nhìn tổng thể, khách quan đi đến quyết định chính xác của người quản lý.

Nếu tỉnh Đồng Nai và Bình Phước xác định cần thiết phải có tuyến đường để phát triển kinh tế xã hội, thì cần xem xét nâng cấp mở rộng tuyến đường cầu Thủ Biên hiện có, hoặc mở đường đi ngoài ranh giới Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai để kết hợp giao thông với phát triển kinh tế xã hội người dân vùng đệm và khu vực lân cận.

Đồng Nai lo ngại việc xây dựng cầu Mã Đà, làm đường xuyên Khu bảo tồn

UBND tỉnh Đồng Nai cho hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được xem là lá phổi xanh của các tỉnh Đông Nam Bộ. Ở đây còn có ba di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhiều năm qua, Đồng Nai đã bảo vệ diện tích rừng, trồng bổ sung mới và các loài động vật quý hiếm xuất hiện thường xuyên hơn.... Do đó việc xây cầu Mã Đà làm đường xuyên qua rừng của khu dự trữ sinh quyển sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng chiến khu D.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm