Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh liên tiếp trong các số báo gần đây, người dân ở xã An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) đã bày tỏ nhiều bức xúc về việc xã này huy động số tiền quá sức dân (50%, trong khi quy định chỉ là 10%) khi làm đường, nằm trong chương trình mục tiêu nông thôn mới của địa phương. Đáng nói hơn, chính quyền xã này còn giở “chiêu phê lý lịch” xấu nếu chưa đóng số tiền này càng gây thêm bức xúc cho dư luận.
Khi trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Nam Sách, một mực khăng khăng: “Toàn bộ kinh phí chúng tôi đã thông qua người dân, được người dân ủng hộ và đồng nhất ý kiến”. Thế nhưng khi PV yêu cầu ông Khoa cung cấp những căn cứ chứng minh việc đồng thuận của người dân, ông Khoa không đồng ý cung cấp.
“Xã không có căn cứ chứng minh dân đồng thuận hay xã không cung cấp cho báo chí?”. Trả lời câu hỏi này, ông Khoa khẳng định: “Tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình làm”.
Nhiều người dân nghe tin có phóng viên về đã đến để phản ánh bức xúc. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG
“Huy động thế là kiệt quệ chúng tôi”
Để tìm hiểu thực tế về việc “người dân ủng hộ” mà ông Khoa nói thực hư thế nào, chiều 15-8, PV Pháp Luật TP.HCM đã quay lại thôn An Đông, xã An Bình khảo sát thực tế. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân thôn An Đông đều bức xúc việc họ không đồng tình với phương án đóng góp mà xã đưa ra.
“Chúng tôi chỉ đồng ý đóng góp khi có quyết toán công trình. Hơn nữa, đường ngõ xóm của chúng tôi mà chúng tôi còn đổ bê tông dày 20 cm; đường liên xã quan trọng thế mà xã thông báo chỉ làm dày có 18 cm. Thậm chí làm đường liên xã mà xã khẳng định trong các cuộc họp là không làm hệ thống cống rãnh cho dân thì chúng tôi sống kiểu gì? Hơn nữa, việc bắt các gia đình đóng theo đầu người với mức 2 triệu đồng/đầu người là làm kiệt quệ cho chúng tôi” - một người dân bức xúc. Rất nhiều người dân có mặt đã đồng ý với ý kiến này.
Người dân thôn An Đông, xã An Bình càng bức xúc hơn về việc chính quyền xã này giở “chiêu”: Tất cả hộ nào không đóng góp làm đường sẽ không được ký giấy tờ gì hoặc bị phê xấu vào các giấy tờ cần thiết như trường hợp chị Nguyễn Thị Quyên (Pháp Luật TP.HCM phản ánh trên số báo ra các ngày 10, 11, 12-8) bị phê xấu vào sơ yếu lý lịch gây xôn xao dư luận trước đó.
Một người dân thôn An Đông, gặp tình cảnh tương tự, bức xúc kể: “Con gái tôi lấy chồng về huyện Ninh Giang (Hải Dương) từ tháng 1-2017. Đến tháng 3-2017, cháu cắt hộ khẩu vì có thai. Cháu buộc phải nhập khẩu về nơi ở mới thì mới được đi tiêm phòng. Khi tôi đi làm thủ tục chuyển hộ khẩu cho cháu, một cán bộ ở xã bảo tôi phải sang phòng kế toán thanh toán tiền làm đường mới ký giấy xác nhận chuyển hộ khẩu cho cháu. Tôi thấy vô lý, sang hỏi kế toán, kế toán nhất định bắt tôi đóng 1.200.000 đồng mới cho gia đình làm thủ tục cắt hộ khẩu”.
Theo người này, sau khi chị cắt hộ khẩu cho con gái sang quê chồng xong, kế toán xã thông báo cho chị rằng đã có sáu hộ khác có người mới sinh xong cũng phải đóng tiền mới được làm thủ tục cấp giấy khai sinh.
“Cho đến khi trường hợp của nhà cháu Nguyễn Thị Quyên được anh trai tung bút phê lý lịch của cháu Quyên lên mạng thì mọi việc mới vỡ lở ra” - một người dân khác bức xúc cho biết.
Hầu hết những người dân đều có chung nguyện vọng: Mong các cơ quan chức năng từ trung ương đến tỉnh thanh tra lại các công trình xây dựng nông thôn mới của xã An Bình.
Lãnh đạo tiếp tục không phản hồi
Sau nhiều ngày liên lạc (từ 11-8) bằng nhiều hình thức (gọi điện thoại, nhắn tin) nhưng không nhận được phản hồi của lãnh đạo huyện Nam Sách, ngày 15-8, chúng tôi đã đến trực tiếp đặt lịch làm việc tại UBND huyện để được chất vấn các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Nam Sách tiếp tục không phản hồi gì với chúng tôi.
Chúng tôi đã để lại các câu hỏi và đề nghị lãnh đạo huyện này trả lời cho dư luận được rõ. Cụ thể: Thứ nhất, việc làm 5 km đường bê tông với kinh phí 30,2 tỉ đồng, mà huy động của người dân đến 50% số này, của xã An Bình là đúng hay sai, huyện có biết việc này không? Thứ hai, phương án thu theo đầu người 2 triệu đồng/khẩu có hợp lý? Thứ ba, quy định thu cả của những em bé vừa chào đời và những người cắt hộ khẩu đi khỏi địa phương như vậy có hợp lý không?”…
Trước đó, ngày 14-8, chúng tôi đã trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - ông Nguyễn Dương Thái. Ông Thái cho hay sẽ trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Nam Sách - ông Bùi Văn Thăng để cung cấp thông tin cho PV. Thế nhưng cho đến chiều 15-8, chủ tịch UBND huyện Nam Sách vẫn bặt vô âm tín. Sau đó PV tiếp tục “cầu cứu” cả Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - ông Nguyễn Mạnh Hiển. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng việc cung cấp thông tin cho PV là “nhỏ” và nói PV cứ liên hệ làm việc với UBND huyện Nam Sách.
Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục đặt vấn đề này với các cấp liên quan để làm rõ các vấn đề trên.
Theo Kế hoạch 92 ngày 27-4-2017 của UBND xã An Bình, địa phương này dự kiến xây dựng bảy tuyến đường trên địa bàn với chiều dài 5.089,3 m, tổng kinh phí 30,2 tỉ đồng. Theo kế hoạch này, phương án “hỗ trợ kinh phí tháo dỡ công trình và đóng góp xây dựng” xã An Bình ghi rõ: “UBND xã yêu cầu người dân đóng theo khẩu hành chính là 15,1 tỉ đồng (50% tổng kinh phí làm đường)”. Trong đó, quy định cả phát sinh tăng nhân khẩu: “Người sinh từ ngày 30-6-2017 trở về trước thì thu theo vụ chiêm (60%, tương đương 1,2 triệu đồng); sinh từ ngày 1-7-2017 trở đi thì thu theo quy định vụ liền kề (40%, tương đương 800.000 đồng)”. Nếu quy định như văn bản này thì em bé vừa sinh ra cũng được tính vào đối tượng phải đóng tiền làm đường xã. Điều đáng nói là theo Quyết định 800 ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 thì các địa phương chỉ được huy động nguồn vốn đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%. |