Những ngày này, cả xã An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) vẫn đang xôn xao việc phó chủ tịch UBND xã bút phê vào sơ yếu lý lịch của chị Nguyễn Thị Quyên nội dung: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương”. Sâu xa của việc này theo anh Nguyễn Danh Cường (anh trai chị Quyên) là: “Xã yêu cầu mỗi đầu người đóng 2 triệu đồng để làm đường xã. Nhà tôi có sáu khẩu, phải đóng 12 triệu đồng. Số tiền quá nhiều chúng tôi chưa thể đóng được”.
Trong một lần trả lời báo chí, ông Trương Phúc Thực, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình (người đã có phần bút phê gây tranh cãi), cho biết về việc làm đường xã từng tổ chức hội nghị họp với từng cụm dân cư vào các ngày 20-11-2016, 17-2-2017 và 10-3-2017. Theo ông, đến nay đã có 70% trên tổng số 2.000 hộ dân đã đóng góp.
Phó chủ tịch UBND xã An Bình đang chứng thực cho người dân chiều 11-8. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG
Theo bản Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 27-4-2017 của ủy ban xã, xã dự kiến xây dựng bảy tuyến đường trên địa bàn với chiều dài 5.089,3 m, tổng kinh phí 30,2 tỉ đồng. Việc làm đường được thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong kế hoạch, phương án “Hỗ trợ kinh phí tháo dỡ công trình và đóng góp xây dựng” xã An Bình nêu rõ: “UBND xã yêu cầu người dân đóng theo khẩu hành chính là 15,1 tỉ đồng (50% tổng kinh phí làm đường)”. Trong đó quy định cả phát sinh tăng nhân khẩu: “Người sinh từ ngày 30-6-2017 trở về trước thì thu theo vụ chiêm (60% tương đương 1,2 triệu đồng); sinh từ ngày 1-7-2017 trở đi thì thu theo quy định vụ liền kề (40% tương đương 800.000 đồng)”. Như vậy nghĩa là em bé còn trong bụng mẹ cũng được tính vào đối tượng phải đóng tiền làm đường xã. Đây chính là điều gây bức xúc cho người dân.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết trong Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 thì các địa phương chỉ được huy động nguồn vốn đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%. Việc huy động đến 50% với số tiền 30,2 tỉ đồng là quá lớn cho đoạn đường bê tông 5 km. “Chúng tôi rất khó chấp hành mặc dù đồng ý với chủ trương xây dựng nông thôn mới. Gia đình tôi đã đóng góp khoản này rồi nhưng nhiều người bức xúc và không đóng” - một người dân cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã An Bình, khẳng định quy trình lấy ý kiến của người dân để làm đường hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật và được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu được xem biên bản các cuộc họp với người dân thể hiện sự đồng thuận này thì ông Khoa không đồng ý.
Chiều 11-8, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách. Theo đó, PV đặt câu hỏi về thông tin xã An Bình làm 5 km đường bê tông với tỉ lệ huy động vốn trong dân lên đến 50%, số tiền là 30,2 tỉ đồng chia đều cho mỗi khẩu 2 triệu đồng tính cả trẻ em còn trong bụng mẹ, ông Lâm cho biết: “Sẽ làm theo quy định”. |