Vụ việc bắt đầu khi sáng 7-8, anh Nguyễn Danh Cường (trú xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương) cùng em gái (23 tuổi) đến UBND xã An Bình xin xác nhận nhân thân vào bản khai sơ yếu lý lịch làm hồ sơ xin việc. Tại đây, ông Trương Phúc Thực, Phó Chủ tịch UBND xã, đã bút phê vào lý lịch với nội dung: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”. Lý do, hộ nhà anh Cường chưa đóng tiền làm đường liên xã.
Bức xúc vì cách phê lý lịch gây ảnh hưởng đến uy tín của em gái và gia đình, anh Cường chụp ảnh phần bút phê này rồi đăng lên mạng xã hội. Chỉ trong thời gian ngắn, vụ việc được lan truyền rộng rãi, gây sự chú ý của cộng đồng.
Có văn bản, có tập huấn nhưng vẫn sai
Từ năm 2014, Cục Hộ tịch - Quốc tịch - Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã gửi Công văn số 1520/HTQTCT-CT đến các sở tư pháp địa phương hướng dẫn việc xác nhận sơ yếu lý lịch. Theo đó, UBND cấp xã chỉ được chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch, người khai phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình kê khai. Trường hợp người thực hiện chứng thực biết rõ về nhân thân người khai, yên tâm tin tưởng về lời khai đó thì xác nhận nội dung kê khai là đúng. UBND cấp xã không được ghi nội dung không chấp hành pháp luật, chủ trương của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân.
Theo ông Lê Văn Ngoãn, Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương: “Việc chứng thực sơ yếu lý lịch cũng đã được quy định rõ trong điểm b khoản 4 Điều 24 của Nghị định 23/2015 (chỉ chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân). Sở cũng có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các đơn vị quận, huyện trên địa bàn tỉnh về mẫu chứng thực và lời chứng theo Quy định 23/2015”.
Hằng năm Sở đều có những lớp tập huấn cho cán bộ tư pháp-hộ tịch cấp xã và công chức phòng tư pháp cấp huyện theo Nghị định 23/2015 và Thông tư 20 của Bộ Tư pháp. Gần đây nhất, trong tháng 7, Sở đã tổ chức lớp tập huấn liên quan nghiệp vụ về hộ tịch và chứng thực, phần mềm chứng thực. Ngoài ra, hệ thống các văn bản hướng dẫn cũng rất cụ thể được Sở gửi về các huyện về việc này.
Người dân làm thủ tục lý lịch tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chiều 9-8, trao đổi với chúng tôi về trường hợp ở xã An Bình, ông Hồ Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, khẳng định việc chứng thực với xác nhận “bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương” là sai với quy định của pháp luật.
Trước đó, khi trao đổi với báo chí, ông Thực (người có bút phê trên) đã công nhận bản thân làm sai vì “chúng tôi vẫn thường làm thế vì chưa nắm bắt, tiếp cận được Công văn số 1520. Vì không nắm được nên tôi mới ghi xác nhận như vậy để động viên mọi người chấp hành quy định, qua đó giúp cho công tác của địa phương”.
Xã khắc phục, huyện sẽ xem xét kỷ luật
Sau khi nhận bản chứng thực lý lịch trên, người khai vẫn chưa đem đi nộp tại cơ quan nào. Để khắc phục sai phạm trong phần chứng thực trên, ông Lâm cho biết cán bộ UBND xã An Bình đã nhận lỗi với người dân và đưa ra phương án sửa chữa. “Chiều hôm trước chứng thực xong, hôm sau cán bộ xã đã chủ động đưa ra phương án khắc phục hậu quả là sẽ chứng thực bản sơ yếu lý lịch khác cho người dân để hoàn thiện hồ sơ xin việc. Rất may sự việc lần này chưa gây ra hậu quả gì lớn” - ông Lâm nói.
Trả lời câu hỏi liệu có biện pháp chế tài nào để xử lý cán bộ sai trong trường hợp này hay không, ông Lâm khẳng định: “Cán bộ sai phạm thế nào thì sau này sẽ phải xem xét trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, sai đến đâu xử lý đến đó. Phải đợi cho công việc bước một (khắc phục hậu quả với người dân - PV) xong xuôi, chúng tôi sẽ thành lập hội đồng kỷ luật từ xã lên đến huyện để xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Đây cũng là trường hợp cụ thể để làm tấm gương cho các cán bộ khác rút kinh nghiệm”.
Cũng trong chiều 9-8, chúng tôi rất cố gắng liên hệ để trao đổi với ông Lê Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã và ông Thực, Phó Chủ tịch xã An Bình, nhưng hai ông không tiếp xúc báo chí.
Không góp tiền làm đường, không thưởng học sinh giỏi Dân làng thôn 3, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng vẫn bức xúc khi kể lại việc cháu Hà Thị Ngọc Anh, con gái của anh Hà Văn Cao, xóm trưởng xóm 3, bị UBND xã “tước” phần thưởng học sinh giỏi. Anh Cao kể lại: “Năm học 2013-2014, con gái tôi đạt học sinh giỏi. UBND xã thông báo danh sách các cháu ra nhận phần thưởng, trong đó có con tôi. Cả gia đình rất háo hức và tự hào. Đến ngày đó, không thấy con vui vẻ đem phần thưởng về mà lại là cảnh con chạy ùa về nhà, dép guốc chẳng còn và ôm mặt khóc nức nở. Ngọc Anh kể chủ tịch UBND xã thông báo cháu được học sinh giỏi nhưng không được nhận phần thưởng.
Tôi giận quá, ra ủy ban hỏi cho rõ, do nóng ruột nên đã gây ồn ào và bị xử phạt hành chính. Lý do xã đưa ra là vì tôi không đóng góp tiền làm đường khi xã huy động. Tôi đã phát hiện có những sai phạm trong việc quản lý các nguồn vốn làm đường và hệ thống thủy lợi của địa phương, một số khoản tôi chưa đóng góp vì thấy quá vô lý”. Anh Cao đã nhiều năm đi đòi phần thưởng cho con gái dù món quà chỉ trị giá 30.000 đồng nhưng vẫn không được. PV đem việc này trao đổi với chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong nhưng ông từ chối trả lời. |